Thứ Sáu, 27/04/2018 | 17:15

10 năm qua, Sitara – cô gái Afghanistan phải ăn mặc và làm việc như một cậu con trai bởi bố mẹ cô chỉ sinh được 5 con gái.

Theo ndtv, Sitara Wafadar, 18 tuổi hiện sống cùng gia đình trong một ngôi nhà xây bằng bùn và gạch tại tỉnh Nangarhar, Afghanistan.

Mong muốn có con trai khiến bố mẹ bắt Sitara ăn mặc theo trang phục truyền thống của đàn ông: áo rộng, quần dài ống rộng và đi dép xỏ ngón. Cô cũng phải hành động và ứng xử như một người con trai thực thụ.

Thiếu nữ phải giả trai để làm vui lòng cha mẹ sinh con một bề

Sitara mặc trang phục truyền thống của đàn ông Afghanistan, cô còn đội khăn để che mái tóc ngắn cũn cỡn và cháy nắng của mình – Ảnh: AFP

Cả 5 chị em của Sitara đều không được học hành tới nơi tới chốn và sớm đi làm kiếm tiền. Các chị gái của Sitara sau khi lấy chồng thì nghỉ việc, mỗi Sitara vẫn sống mãi với bỏ bọc con trai.

Từ năm 8 tuổi đến giờ, đều đặn 6 ngày trong tuần, Sitara làm việc tại nhà máy đóng gạch gần nhà từ 7h sáng tới 5h chiều. Mỗi ngày, cô đúc khoảng 500 viên gạch vào khuôn rồi mang ra nắng phơi, nhận được khoảng 2 USD (45 nghìn đồng) tiền công. Làm việc cả ngày dưới nắng, da cô bị rám nắng, biến thành màu nâu không khác gì đàn ông.

Thiếu nữ phải giả trai để làm vui lòng cha mẹ sinh con một bề

Sitara phải làm việc như một người đàn ông trụ cột của gia đình – Ảnh: AFP.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là con gái. Bố luôn giới thiệu về tôi rằng: ‘Sitara là con trai lớn của tôi’. Thỉnh thoảng, tôi còn thay bố tham dự các đám tang với tư cách là con trai cả của ông“, Sitara chia sẻ. Ở Afghanistan, phụ nữ không được phép đến dự tang lễ.

Ông Noor, bố của Sitara phàn nàn, “thánh Allah toàn năng” không cho ông một đứa con trai nên ông buộc phải ép con gái mình sống dưới hình hài của một người con trai. “Mọi trách nhiệm đổ dồn lên vai tôi và Sitara. Chúng tôi cần phải chăm lo cho gia đình và kiếm tiền trả nợ”.

Gia đình Sitara đang nợ 25.000 Afghanis (khoảng hơn 8 triệu đồng), do trước đó, họ phải vay để chữa bệnh tiểu đường cho mẹ Sitara. “Giá như tôi có thằng con trai, tôi sẽ không phải ép con gái làm thế này. Con gái tôi cũng được sống một cuộc đời bình yên, hạnh phúc“, ông Noor nói.

Đối với Sitara, dường như giả trai là lựa chọn duy nhất của cô. Tới tuổi dậy thì, con gái tại Afghanistan thường phải ở trong nhà, không được đi làm để tránh bị quấy rối hay cưỡng hiếp. Sống dưới lốt đàn ông giúp Sitara an toàn ở nhà máy đóng gạch. Hầu hết mọi người ở đây đều không biết cô là con gái.

Tại quốc gia trọng nam khinh nữ như Afghanistan, những gia đình không có con trai sẽ buộc một đứa con gái giả làm trai để thực hiện các nghĩa vụ với gia đình và tránh sự kỳ thị của xã hội. Truyền thống này được gọi là “bacha poshi”. Theo giáo sư xã hội học Baryalai Fetrat, công tác tại đại học Kabul, sau nhiều năm giả trai, những cô gái sống theo hủ tục “bacha poshi” sẽ rất bối rối về giới tính cũng như vị trí của mình trong xã hội: “Các cô gái đó thường cảm thấy khó khăn khi quay trở lại với con người thật của mình hoặc trở thành một người vợ phục tùng chồng. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm và bạo lực gia đình”.

Dù không muốn giả trai nhưng Sitara vẫn không dám dừng lại vì cô sợ em gái 13 tuổi sẽ phải chịu chung số phận như cô. “Tôi sẽ tiếp tục làm công việc khó khăn này vì tôi không muốn em gái tôi phải giả trai và làm việc tại nhà máy. Nếu tôi không làm việc, gia đình chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều rắc rối“, Sitara chia sẻ.

Bao nhiêu năm, Sitara vẫn luôn mong được để tóc dài: “Mỗi lần mặc đồ con trai lên người, tôi chỉ ước giá như mình có một người anh trai, lúc đó, tôi sẽ được sống như một cô gái“.

Hoàng Anh

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook