Thứ Hai, 13/06/2016 | 14:00

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đang ở thời điểm có số ca bệnh sốt xuất huyết thấp nhất trong năm, tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do đã bắt đầu vào mùa mưa.

Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết phải điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1

Cẩn trọng khi trẻ mắc sốt xuất huyết

Trong những ngày gần đây, Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) luôn có trên dưới 40 trẻ nằm điều trị bệnh, trong đó có đến 60% là bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam chuyển về. Số liệu này chưa phải là nhiều so với thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là có nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện do phụ huynh lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh này.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trẻ mắc sốt xuất huyết thường dễ bị nhầm với các bệnh lý khác như: sốt phát ban, nhiễm siêu vi, viêm họng, tay chân miệng… Đặc biệt, những bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi khi bị sốt xuất huyết thường kèm dấu hiệu ho, sổ mũi, tiêu chảy nên càng dễ bị nhầm sang bệnh khác. Do đó, có đến 20 – 30% ca bệnh ở trẻ dưới 12 tháng tuổi bị chẩn đoán nhầm.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết thường có triệu chứng như sốt cao kéo dài từ 2 – 7 ngày, mệt mỏi, lừ đừ, buồn nôn, xuất huyết, ăn uống kém… Trẻ lớn thì có thể kèm theo dấu hiệu đau đầu, đau cơ, nhức khớp. Bệnh thường diễn tiến nặng kể từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu. Lúc này, người bệnh có các dấu hiệu kèm theo như: đau bụng, xuất huyết dưới da, chảy máu nướu, máu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, riêng bé gái bước vào tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo bất thường. Khi bệnh bước vào giai đoạn nặng trẻ dễ bị sốc, xuất huyết nặng, nếu không điều trị kịp sẽ tử vong nhanh chóng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm hiện đang lưu hành tại các tỉnh thành phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh khác nhau, sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời với tuýp vi rút gây bệnh đó nhưng không có miễn dịch bảo vệ với các tuýp khác, ngược lại có thể làm cho lần mắc bệnh thứ hai trầm trọng thêm. Bệnh xảy ra quanh năm với chu kỳ dịch bắt đầu tăng nhanh từ tháng 6 và đạt đỉnh cao nhất vào tháng 12. Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu khiến người mắc bệnh có nguy cơ tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.

Triển khai nhiều biện pháp phòng chống

Số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến đầu tháng 6/2016, thành phố đã ghi nhận 7.773 trường hợp nhập viện với chẩn đoán là sốt xuất huyết, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận ở tất cả các quận, huyện trên toàn thành phố trong đó 8 quận, huyện trọng điểm của bệnh sốt xuất huyết có số trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện chiếm 50% như: Quận 8, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn.

Hiện tại, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang ở giai đoạn có số ca mắc thấp nhất trong năm. Trong tháng 5, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn là 560 ca, giảm 43% so với tháng 4. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, với điều kiện thời tiết như hiện nay, dịch bệnh này sẽ có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Theo trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện đang tiếp tục giám sát tình hình dịch tễ ở các điểm nguy cơ; vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, không để dịch bệnh bùng phát ở các ổ dịch nhỏ, khu trú; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chăm lo tiếp nhận và điều trị, đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức truyền thông học đường, trang bị kiến thức cho học sinh phòng bệnh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch triển khai nhiều hoạt động tại các quận, huyện nhân Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15/6). Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết ở thành phố sẽ tập trung vào việc truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống sốt xuất huyết.

“Thông qua các phần việc như treo băng rôn, phát tin trên hệ thống loa phát thanh, xe truyền thông ở các phường, xã, người dân sẽ biết được những thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cũng hướng dẫn người dân cách diệt muỗi, lăng quăng và các chế tài xử phạt theo Nghị định 176. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.”, bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết. Riêng tại 8 quận, huyện trọng điểm về sốt xuất huyết, Sở Y tế thành phố đã ban hành kế hoạch tăng cường giám sát cũng như hỗ trợ các địa phương này các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch.

Tuy nhiên, để các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết được hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, rất cần sự chung tay tích cực của người dân trong việc thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt cũng như phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hoá chất diệt muỗi để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương.

Đan Thanh
Thông tấn xã Việt Nam

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook