Diễn biễn phức tạp của thời tiết đã kéo theo bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh ở khu vực Tây Nguyên từ cuối năm 2015 đến nay. Với số ca mắc SXH tăng gấp 15 lần so với nhiều năm, 17 bệnh nhân đã tử vong, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã vào Tây Nguyên kiểm tra trực tiếp ở một số địa phương là điểm nóng của dịch SXH và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
48/50 huyện bùng phát SXH
Chưa bao giờ bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại bùng phát mạnh và lan rộng như trong những tháng mùa mưa hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên. Điều đáng lo ngại là hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có 4 trường hợp tử vong do SXH. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện các tỉnh khu vực Tây Nguyên ghi nhận 7.411 trường hợp, đặc biệt số ca mắc của khu vực tăng gần 15 lần so với năm 2015. Trong đó, Gia Lai, Đắk Lắk là 2 trong 10 tỉnh, thành phố có số mắc SXH cao nhất cả nước. Hiện dịch SXH đã xảy ra ở 393/563 xã, phường, thị trấn và tại 48/50 huyện của 4 tỉnh Tây Nguyên.
Đối với phân bố týp vi rút SXH khu vực Tây Nguyên từ trước tới nay đã lưu hành cả 4 týp, tuy nhiên 4 týp này có sự thay đổi qua các năm. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn khu vực đã lấy mẫu xét nhiệm huyết thanh được 496 mẫu, trong đó có 356 mẫu dương tính, riêng trong tháng 7 đã lấy mẫu xét nghiệm được 172 mẫu và có 122 mẫu dương tính; năm 2016 không ghi nhận týp huyết thanh Dengue 3.
Tại tỉnh Đắk Lắk, bà H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, số bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn tỉnh đã tăng vọt lên hơn 3.000 trường hợp. Hiện toàn tỉnh có 145/184 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố phát hiện có người mắc SXH, trong đó 2 địa phương có bệnh nhân mắc SXH cao nhất là huyện Ea H’leo với 806 trường hợp và TP. Buôn Ma Thuột có 809 trường hợp mắc SXH. Điều đáng lo ngại là hiên nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện các týp gây bệnh SXH như Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4… khiến bệnh SXH tăng đột biến. Bác sĩ Nguyễn Hai- Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Nếu như 6 tháng đầu năm 2015, Khoa chỉ tiếp nhận và điều trị cho 225 bệnh nhân SXH thì trong 7 tháng đầu năm nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 1.371 bệnh nhân SXH. Hiện nay, bình quân mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 30-40 bệnh nhân SXH vào điều trị, thậm chí có ngày lên đến 60 bệnh nhân”.
Tại tỉnh Kon Tum, bác sĩ Đào Duy Khánh- Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tỉnh này đang có gần 1.700 ca mắc SXH, có tỉ lệ ca mắc tính trên 100.000 dân cao nhất khu vực Tây Nguyên. Bà Huỳnh Nữ Thu Hà- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ở Gia Lai dịch SXH lây lan khá nhanh, với hơn 3.000 ca mắc, đã ghi nhận ca tử vong.
Còn theo ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: “Hiện Tây Nguyên chưa phải là khu vực có số ca mắc SXH nhiều nhất nước nhưng mức độ bùng phát của dịch đang rất đáng lo ngại. Qua kiểm tra ở các địa phương của Tây Nguyên thì các ổ mầm bệnh của SXH nằm chủ yếu ở các lốp xe máy cày cũ do bàn con vứt lăn lóc ngoài vườn”.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Tuyên truyền cho người dân càng dễ hiểu càng tốt
SXH có triệu chứng như: sốt (nóng) cao 39- 40 độ C, đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày; sốt kèm theo các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải; đôi khi da xung huyết hoặc có phát ban. Một số trường hợp có biểu hiện thần kinh: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đau quanh hố mắt; trẻ em nhỏ sốt cao, đôi khi co giật, hốt hoảng; nhưng không có biểu hiện màng não. Không phải tất cả người bệnh bị SXH đều bị sốt. Tuy nhiên, thận trọng theo dõi người bệnh đang bị nghi ngờ SXH, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Khi có triệu chứng SXH nên đưa người bệnh đi khám ngay. BS Ánh Tuyết |
Trước tình hình bệnh SXH bùng phát mạnh và lan rộng trong cộng đồng, tại buổi kiểm tra thực tế, thăm hỏi tình hình bà con trên địa bàn tại thôn 2, xã Hòa Thuận; buôn Jù, xã Ea Tu, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), vào sáng 7/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện thời tiết ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang ở giữa mùa mưa, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển. Cùng với đó, qua kiểm tra thì thấy ở các buôn làng nhiều vỏ lốp xe máy, máy cày sau khi hư hỏng người dân vứt lăn lóc ở các góc vườn, chuồng trại, trong các lốp này có chứa nước mưa đây là nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản phát triển. Cùng với đó nhiều gia đình có bàn thờ ngoài trời có dùng lọ hoa đựng nước, nhiều chén bát hỏng, chai lọ người dân dùng xong để chưa gọn gàng biến những vật đó thành vật chứa nước. Để khuyến cáo người dân nâng cao ý thức trong việc tiêu diệt lăng quăng nguồn phát sinh ra muỗi và dịch bệnh, Phó Thủ tướng mong muốn bà con hãy phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, úp hết các vật dụng chứa nước, đặc biệt các bình bông ở trước ban thờ sau khi dùng xong cần đổ nước đi, các chén bát, chai lọ hư hỏng không cần thiết phải chôn lấp, hoặc lật úp lại. Đối với các bể nước, hòn non bộ các gia đình nên thả cá vào để diệt bọ gậy. Cùng với đó lực lượng y tế địa phương đặc biệt là ở các xã, phường phải tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên để bà con buôn làng nắm bắt được tác hại của dịch bệnh và cách phòng tránh. Khuyến cáo bà con ngủ màn, ngành y tế tổ chức phun thuốc diệt muỗi… có như vậy chúng ta mới hạn chế được sự phát triển và lây lan của dịch bệnh SXH.
Cũng tại buổi kiểm tra tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn bà con ở các thôn, buôn ngoài các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cán bộ y tế cơ sở thì khi phát hiện người nhà có các biểu hiện sốt, đau đầu cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc điều trị ở nhà đến lúc mà bệnh đã nặng mới đi các bệnh viện, trung tâm y tế thì rất nguy hiểm cho bản thân.
Các đại biểu cho rằng, hiện nay việc phòng, chống bệnh SXH còn gặp khó khăn do bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng, của hộ dân, sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể; đặc biệt, sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền, trong đó Trung ương cần bố trí kinh phí giúp địa phương trong công tác phòng, chống kiểm soát dịch bệnh.
Trước những ý kiến của các đại biểu về dự Hội nghị về phòng, chống dịch bệnh SXH tại khu vực Tây Nguyên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu muốn dập được dịch SXH phải đặt công tác truyền thông lên hàng đầu, phải tuyên truyền giải thích bằng hình thức càng đơn giản, càng mộc mạc cho bà con Tây Nguyên hiểu như ổ dịch nó nằm trong lốp xe thì phải lật lốp xe như thế nào để nước khỏi đọng, cái chum cái vại bị vỏ phải úp thế nào cho muỗi không sinh sản được… Hi vọng với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương cho đến các cấp các ngành địa phương dịch SXH trên địa bàn Tây Nguyên sẽ được kiểm soát và hạn chế được số ca mắc mới cùng như tử vong đáng tiếc.
Ngày 8 và 9/8, tại tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức lớp Tập huấn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và rút kinh nghiệm tử vong do SXHD năm 2016 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên có số mắc SXHD tăng cao là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Gần 200 học viên gồm các bác sĩ, lãnh đạo sở y tế, các phòng nghiệp vụ của sở, lãnh đạo các BV đóng trên địa bàn thuộc 4 tỉnh trên. Tại đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh về SXHD là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi bệnh viện, tuy nhiên việc xác định mức độ, giai đoạn của bệnh để chuyển tuyến an toàn cũng không kém phần quan trọng… Trong buổi tập huấn, các bác sĩ còn được các chuyên gia y tế đầu ngành ở tuyến cuối như PGS. TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BsCKII. Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc BV Nhi đồng TPHCM… bổ sung kiến thức, kinh nghiệm trong nghề. Các giảng viên cũng dành nhiều thời gian tọa đàm với các học viên về những vấn đề khó trong chẩn đoán và điều trị mà các học viên gặp phải, chia sẻ những kinh nghiệm trong chẩn đoán, xử trí SXHD trẻ em tại tuyến huyện; Điều trị, chăm sóc sốc kéo dài, tổn thương đa cơ quan trong SXHD trẻ em… Hà Phương |
Nguyễn Tuấn Anh
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.