“Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng’, các cụ dạy cấm sai bao giờ. Dù có đi lấy chồng xa, khi sinh nở con gái vẫn luôn mong được về nhà mẹ đẻ.
Theo văn hóa người Việt Nam, sau khi sinh con được đầy tháng, các chị em thường xin về nhà ngoại một thời gian để nghỉ dưỡng. Ngắn thì 1 tháng, dài thì cũng phải đôi ba tháng rồi mới trở lại nhà nội.
Với nhiều người, cảm giác được ông bà ngoại chăm bẵm, cưng nựng cả mẹ lẫn con như là lần thứ hai trở thành đứa trẻ bé bỏng ngày nào của ông bà vậy. Cho nên, những ngày cuối cùng ở cữ nhà ngoại mới thật khó khăn làm sao.
Đó cũng là tâm trạng của chị Yến Hoa, sinh năm 1990, hiện đang sinh sống ở Hà Nội. Vì đi lấy chồng đã 4 năm và mới sinh con được vài tháng nên khi về nhà ở cữ, chị Hoa được bố mẹ chiều chuộng lắm. Cũng chính vì hai mẹ con được ông bà cưng chiều nên lúc chuẩn bị hành lý về nhà nội cũng là lúc chị Hoa rơi nước mắt thật nhiều.
Trong một group tâm sự hội chị em, chị Yến Hoa chia sẻ những dòng chữ nghẹn ngào nước mắt.
“Còn đêm nay nữa thôi là mai mẹ con gà phải khăn gói tạm biệt ông bà ngoại để về bên nội rồi. Sẽ chẳng còn ai bế con cho để kích sữa nữa, đêm cũng không còn cảnh ông bà thay nhau ru cháu để mẹ nó nằm cho khỏi đau lưng vì đẻ xong người yếu lắm, như con cua lột.
Chẳng được ăn những món ăn ngon mà mẹ nó thích bà ngoại nấu nữa. Sữa mới kích được từ 30 ml lên 120ml thôi, công trình xây dở biết làm sao đây. Hôm qua ông ngoại gà vừa bế gà vừa nói chuyện: “Còn mai nữa thôi là tạm biệt rồi, ông nhớ con lắm nhưng mẹ con phải tự lập thôi”. Đang ngồi hút sữa nghe ông nói thế mà oà khóc.
Về nhà ông bà lúc nào cũng coi mẹ còn bé bỏng. Mẹ gà vất vả 4 năm lấy chồng mới có được gà, mẹ con bế nhau đi trong nhà ông cũng dặn bế khéo không ngã , coi mẹ với gà như 2 đứa trẻ con bế nhau. Tắm cho cháu thì bà lo nước, ông lo khăn tắm rồi cầm cái đo nhiệt độ bấm bấm kiểm tra không sợ nước lạnh quá ốm cháu. Đi tiêm phòng cả ông bà cũng đưa gà đi, ông ôm chặt cho cô y tá tiêm rồi dỗ gà nằm ngủ trong tay ông ngon lành.
Trước hôm đón mẹ con gà về, ông ngoại ngày nào cũng gọi điện bảo ông bà dọn dẹp phòng cho mẹ con Chíp rồi nha, về nhanh ông bà thương. Mai đi rồi cái phòng cũng trống trơn, không còn tiếng bà mỗi sáng cười đùa tập thể dục rửa mặt cho gà con, không còn tiếng ông vỗ về cháu yêu của ông đây mà. Cái giường mọi ngày la liệt khăn sữa tã bỉm của 2 mẹ con rồi cũng không còn gì nữa. Ông bà không có con trai, mai đi rồi ông bà lại lủi thủi với cụ, nhà lại vắng tiếng mẹ con cười đùa.
Giờ nằm ôm con ngủ mà cứ khóc thôi, bao nhiêu tình cảm giữ trong lòng nhưng chưa bao giờ nói với bố mẹ. Bên bố mẹ con lúc nào cũng là trẻ con thôi. Kiếp sau mong cho ông bà được làm ông bà nội.”
Được biết, chị Hoa quê ở Thái Bình, lớn lên đi học, lấy chồng rồi ở lại Hà Nội. Chị gái chị Hoa cũng sinh sống ở thủ đô nên quê hương chỉ còn hai bố mẹ lủi thủi chăm nhau. Một năm cùng lắm chị sắp xếp về thăm bố mẹ đẻ được đôi ba lần, còn đâu phải về bên nội cả. Các con đi lấy chồng xa, ông bà không có con trai nên nhiều lúc chị thấy thương hai ông bà nhiều lắm.
“Mình lấy chồng được 4 năm rồi, nhưng lại gặp khó khăn về đường con cái phải chạy chữa khắc nơi. Ông bà cũng thương nên động viên cả về vật chất và tinh thần. Đến khi chán nản muốn buông xuôi thì tự nhiên lại có bé gà nên cả nhà thương lắm. Từ khi sinh con, theo tục lệ tháng đầu mình phải ở bên nhà nội, sau đó sang ngoại ở được 56 ngày tất cả. Đây đúng là quãng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời”. Chị Hoa tâm sự.
Đi lấy chồng rồi nhưng bố mẹ lúc nào cũng coi chị như đứa con bé bỏng. Lúc mang bầu bé gà, sợ chị đi làm xa (24km) nên bố mẹ chị bắt nghỉ và hàng tháng cũng giúp đỡ hai vợ chồng 1 chút ít để chăm lo sức khoẻ. Chị thì không muốn phiền ông bà nhiều nên cũng cố gắng bán hàng thêm để có đồng ra đồng vào những ngày bầu bí.
Lúc chuẩn bị sinh gà thì mẹ chị đã lên từ trước 2 tháng, chăm lo cho từng bữa ăn giấc ngủ. Đến ngày đi đẻ thì ông ngoại cũng lên Hà Nội rồi cùng bà nội, bà ngoại đưa chị đi đẻ. Lúc về ở bên nội thì mẹ chị đếm từng ngày để con gái và cháy về ngoại.
Nhà có 2 con gái đều đi lấy chồng nên bố mẹ chị buồn lủi thủi đi ra đi vào. Ông bà cũng dùng mạng xã hội nên ngày nào cũng vào facebook để ngắm ảnh gà nên chị Hoa cố chia sẻ thật nhiều ảnh lên cho ông bà ngắm đỡ nhớ cháu.
Ngay khi được đăng tải, câu chuyện cảm động của chị Hoa đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ phía hội chị. Ai nấy đều thấy xúc động trước những tâm sự xé gan xé ruột của chị. Nhiều người đọc xong cũng phải rơi lệ bởi thấy sao mà giống mình quá.
FB T.T nghẹn ngào: “Giống cảm xúc của nhau quá, mất hàng tuần để làm quen, gái nhà tớ 4 tháng mới về nội. Lúc ấy biết hóng hớt lẫy ùm ụp rồi nên nó cũng biết, về nội 2 mẹ con mất hàng tuần để làm quen. Nhớ tiếng ông bà ngoại nên những ngày đầu về nội, con cứ dáo dáo tìm ông bà, thương lắm. Hai mẹ con cứ ôm nhau khóc nhè suốt, gọi điện bà khóc, mẹ khóc, cháu khóc, rồi nghĩ sau mình cũng thế. Thôi cố gắng lên mom.”
“Bao giờ cũng thế, chỉ có cha mẹ mình mới thương và luôn coi mình như 1 đứa trẻ mặc dù mình đã lấy chồng và có con. Mình từ khi sắp sinh đến bây giờ được 4 tháng, ông bà ngoại luôn ở bên cạnh chăm lo từng tí một. Thương bố mẹ nhiều lắm nhưng không thể nói nên lời chứ”, FB B.Y tâm sự.
Fb H.Y.P: “Đọc chia sẻ mà bật khóc. Ông bà ngoại lúc nào cũng thật tuyệt vời. Chăm sóc nuôi nấng con cháu từng tí một, biết bao nhiêu yêu thương được gửi gắm vậy mà cuối cùng rồi con cháu cũng phải về nội. Bản thân mình và con nhờ ông bà ngoại nhiều lắm nhưng cứ nghĩ sau lớn rồi con cháu cũng không mấy khi ở nhà thì lại thấy ông bà ngoại thiệt thòi.”
Chị Hoa cũng cho biết, Tết này chị sẽ cho bé Gà về và ở chơi với ông bà lâu hơn cho ông bà đỡ nhớ cháu. Đúng là co sinh con mới hiểu lòng cha mẹ. Khi đã làm mẹ, những cô gái như chị Yến Hoa có lẽ sẽ hiểu hơn và trân trọng hơn tình cảm của bố mẹ dành cho mình.
Video: Xúc động ghi lại ngày đầu tiên tự đi bộ tới trường của trẻ em Nhật
Theo VTC
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.