“Thứ nhất đau mắt, thứ nhì đau răng” – những ai đang phải chịu đựng những cơn đau do chiếc răng khôn mọc lệch gây ra có lẽ hiểu hơn ai hết câu nói trên. Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 là răng mọc sau cùng trên cung hàm, nó là răng hàm lớn thứ ba, thường bắt đầu mọc từ 16-17 tuổi trở đi. Mỗi người thường có bốn chiếc răng khôn mọc ở bốn góc hàm, nhưng không phải ai cũng mọc đủ cả bốn cái vì có những cái không mọc ra mà vẫn nằm trong xương hàm, đây chính là nguyên nhân gây đau đớn cho rất nhiều người. Vậy tai biến khi mọc răng khôn và cách điều trị là gì?
Tai biến mọc răng khôn và cách điều trị
Tai biến mọc răng khôn
- Sâu răng: do việc răng khôn mọc lên không đúng vị trí chèn ép vào răng hàm bên cạnh tạo ra khe hở giữa hai răng khiến thức ăn dễ dàng bị mắc kẹt lại, gây ra sâu răng.
- Bệnh nha chu: răng khôn mọc lệch không đúng vị trí, đâm sang răng bên cạnh, khiến răng đó bị tiêu hủy lung lay, hủy hoại các tổ chức khác xung quanh răng.
- Viêm lợi: do thức ăn và vi khuẩn tích tụ lại ở răng khôn khiến viêm vùng lợi xung quanh răng khôn gây ra sưng đau ở vùng lợi đó, có khi kèm theo sốt, hôi miệng, cứng hàm…
- Viêm quanh thân răng: là tai biến thường gặp do việc răng khôn mọc bị nướu che phủ 1 phần.
- Hàm răng xô lệch xấu xí: do việc răng khôn mọc lệch, đâm vào các răng khác, đẩy các răng khác phát triển xô lệch, chen chúc nhau khiến hàm răng mọc không đều nhau.
Cách điều trị
Tùy theo từng trường hợp răng khôn mọc như thế nào mà có cách điều trị khác nhau:
- Nếu răng khôn mọc đúng vị trí, hơi đau, viêm nhẹ: chỉ cần súc miệng bằng nước muối sinh lí, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng chỉ tơ nha khoa để lấy sạch các mảng bám thức ăn ở răng là được.
- Nếu răng khôn mọc đúng vị trí, hơi sưng đau nhức, viêm nhẹ 2-3 ngày chưa đỡ thì nên sử dụng kháng sinh chống viêm theo chỉ định đơn thuốc của bác sĩ, đồng thời vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối sinh lí, lấy mảng bám thức ăn bằng chỉ tơ nha khoa.
- Nếu răng khôn mọc ngầm hoặc bị kẹt không ngoi lên được gây đau nhức, cần làm tiểu phẫu rạch lợi trùm bao quanh răng để răng mọc lên dễ dàng, súc miệng bằng nước muối sinh lí, vệ sinh răng sạch sẽ, nghe theo chỉ định, lời khuyên của bác sĩ sau khi làm tiểu phẫu này.
- Trường hợp răng mọc lệch, viêm nặng, sưng đau chỗ răng mọc, tụ mủ thành ổ áp xe, gây đau đớn quá thì cần nhổ bỏ răng khôn: trước hết phải chích loại bỏ hết mủ, sau đó vệ sinh sạch sẽ, sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, đợi tới khi người bệnh hết sưng viêm thì mới tiêm thuốc tê rồi tiến hành tiểu phẫu mở vạt lợi nhổ bỏ răng khôn, sau khi loại bỏ được hoàn toàn răng khôn đó thì đóng vạt lợi lại và điều trị kháng sinh. Sau khi làm tiểu phẫu xong người bệnh có thể bị sưng đau, chảy máu chỗ nhổ răng trong khoảng 24h, nhưng nếu chảy máu quá nhiều sau 24h vẫn không thấy giảm thì cần phải gặp bác sĩ tiến hành cầm máu.
Trên đây là các tai biến khi mọc răng khôn và cách điều trị mà các bạn nên biết, khi phát hiện mình mọc răng khôn cần đi khám xét răng sớm để sớm phát hiện tình trạng của răng, tránh các tai biến nguy hiểm do việc mọc răng khôn gây ra, nếu phải nhổ bỏ thì nên thực hiện sớm vì khi bệnh nhân càng trẻ tuổi thì mức độ khó khăn và phức tạp khi phẫu thuật cũng như các biến chứng sau phẫu thuật sẽ càng ít. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh.
Chưa có bình luận.