Thứ Bảy, 21/05/2016 | 14:31

Những hành vi thiếu văn minh của du khách Trung Quốc ở nước ngoài gần đây liên tục xuất hiện trên truyền thông đại chúng. Nhiều người đã lên mạng than thở: người Trung Quốc ngày nay không còn hiểu lễ nghĩa là gì. Có phân tích cho rằng, nguyên nhân của thảm cảnh này là vì văn hóa truyền thống Trung Quốc đã bị phá hoại và thay thế.

Hành vi thiếu văn hóa của du khách Trung Quốc

“Người Trung Quốc, sau khi vệ sinh hãy xả nước”, “Hãy giữ yên tĩnh”, “Xin đừng khạc nhổ bừa bãi”… Những biển nhắc nhở viết bằng tiếng Trung Quốc giản thể này xuất hiện ngày càng nhiều tại những nước mà người Trung Quốc thường đến du lịch: Pháp, Đức, Nhật, Thái…

Gần đây, một người dân Thái đã chia sẻ lên Facebook đoạn video tranh nhau món tôm trong một nhà ăn tự chọn ở Thái Lan. Qua video cho thấy, có người không chỉ lấy một đĩa mà còn chồng hai, ba đĩa lên nhau.

Người có khả năng đi ra nước ngoài du lịch đa số là những người có điều kiện kinh tế tốt, người xưa nói: “Lương thực dư thừa thì biết lễ nghĩa, quần áo dư thừa thì biết vinh nhục”, nhưng dường như điều này không đúng đối với nhiều du khách Trung Quốc: xả rác bừa bãi, tranh giành ghế ngồi trên xe công cộng, cởi giầy tất ngay giữa nơi đông người, ở trần phanh ngực, đi nhà vệ sinh không xả nước, ăn quán ăn tự chọn lấy quá nhiều đồ ăn, dùng lời lẽ ác ý khi bất hòa… Những kiểu hành vi như kể trên cũng thường thấy ngay tại Trung Quốc.

Nhật báo Đông Phương (Orientaldaily.on.cc) có bình luận cho rằng, hành động dùng đĩa hốt tôm là việc nhỏ, nhưng phía sau đó phản ánh thảm cảnh về chất lượng đạo đức và xã hội Trung Quốc ngày nay. Theo bài viết: “Sự phát triển kinh tế – xã hội Trung Quốc đang vào thời kỳ quá độ, văn hóa đạo đức truyền thống đứng trước thách thức lớn, mọi người đứng giữa ngã ba đường của nhiều chuẩn mực đan xen làm tâm lý dị dạng, đây là nguyên nhân của những kiểu hành xử bất thường này”.

Tranh nhau hốt tôm nhưng nhiều đĩa tôm vẫn còn nguyên sau khi dùng bữa xong (Ảnh: Internet).

Sự kiện “heo Trung Quốc”

Ngày 19/3 vừa qua, truyền thông Anh đưa tin, Weibo và Facebook của hãng hàng không Virgin Atlantic bị “Tieba” Trung Quốc (diễn đàn trực tuyến mở trên Baidu) tấn công. Nguyên nhân vì một phụ nữ Trung Quốc chia sẻ trên Weibo rằng, chị ta bị một người da trắng chửi là “heo Trung Quốc” khi ở trên máy bay của hãng Virgin Atlantic, và khi người phụ nữ này tố cáo với nhân viên hàng không thì lại bị đe dọa và đuổi ra khỏi máy bay. Thông tin đã gây làn sóng phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc

Một cô gái trẻ chứng kiến sự việc cho biết, cô không nghe thấy nhân viên hàng không yêu cầu người phụ nữ Trung Quốc này xuống máy bay, nghi ngờ vì người phụ nữ kia tự tiện đổi chỗ nên đã xảy ra tranh chấp, nhưng đương sự phủ nhận và nói rằng vì ở chỗ ngồi không có tai nghe nên đi chỗ khác kiếm tai nghe.

Sau đó, hãng hàng không Virgin Atlantic đã lên tiếng trên trang mạng của họ rằng họ đã tiến hành điều tra và liên lạc với những hành khách trên chuyến bay để tìm hiểu tình hình, nguyên nhân là hôm đó xảy ra tranh cãi căng thẳng giữa hai hành khách trên chuyến bay và nhân viên của hãng phải cố gắng hòa giải. Họ nhấn mạnh rằng họ tuyệt đối không bỏ qua cho những hành vi kỳ thị chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào.

“Tieba”, trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc vì chuyện này mà “ra trận” tấn công vào Weibo và Facebook của hãng hàng không Virgin Atlantic, yêu cầu hãng phải xin lỗi. Cho dù hãng hàng không Virgin Atlantic đã lên tiếng giải thích rõ ràng nhưng cư dân mạng Trung Quốc vẫn không chịu bỏ qua.

Một sự kiện ấn tượng tiêu biểu khác mới xảy ra gần đây là câu chuyện sau tổng tuyển cử ở Đài Loan, hơn 2000 người sử dụng “Tieba” ở Trung Quốc đã tấn công Facebook của bà Thái Anh Văn. Có thông tin cho rằng, đây là hành động của “dư luận viên” ĐCSTQ.

Nhận định về vấn đề này, nhiều người đã chia sẻ trên blog cá nhân: “Người Trung Quốc càng ngày càng thích dùng bạo lực”, “Kết quả cuối cùng của đa số các mối quan hệ xã hội ở Trung Quốc ngày nay thường chỉ làm tăng thêm nỗi buồn chán. Những xung đột gay gắt vì những chuyện nhỏ ngày càng phổ biến, có nhiều khi xin số điện thoại nhưng không cho cũng trở thành cái cớ xung đột”, “Xã hội Trung Quốc ngày nay thật đáng sợ”…

Nhưng văn hóa Trung Quốc cổ đại không dạy người ta như thế.

Trung Quốc từng là mảnh đất giàu nghi lễ

Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới mà nền văn hóa không bị đứt gẫy trong suốt chiều dài 5000 năm.

Trung Quốc cổ đại có nền văn hóa rực rỡ, lễ nghĩa Trung Quốc ảnh hưởng đến nhiều nước. Thương nhân Trung Quốc đi đến đâu cũng thường được xem là khách quý, nhiều khi được miễn phí ăn ở. Xã hội Nhật và Triều Tiên cũng mô phỏng theo văn hóa Trung Quốc (Ảnh: Internet).

Nhìn lại lịch sử Trung Quốc, văn hóa truyền thống Trung Quốc đặc biệt hưng thịnh nhất vào thời nhà Đường, vì thế mà khoa học thời này cũng đứng đầu thế giới. Thời đó cả châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản đều phải đến Trường An học tập, những nước xung quanh đều xem Trung Quốc là mô hình chuẩn mực.

Trịnh Hòa (1371–1433) thời nhà Minh là người có công truyền bá văn hóa truyền thống Trung Quốc đến các nước châu Á, làm cho văn hóa Trung Quốc  đi ra khỏi biên giới quốc gia để giao lưu với các nước. Văn hóa Trung Quốc cổ đại là nền văn hóa tao nhã với nhiều lễ nghi đẹp đẽ được nhiều nước noi theo. Thương nhân Trung Quốc đi đến đâu cũng thường được xem là khách quý, nhiều khi được miễn phí ăn ở. Người Nhật và người Triều Tiên cũng mô phỏng theo văn hóa Trung Quốc.

Trong “lục nghệ” (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số) của văn hóa truyền thống Trung Quốc thì “lễ” đứng đầu, cho thấy người Trung Quốc truyền thống luôn xem trọng lễ nghĩa. Trong “Luận ngữ”, Khổng tử từng nhắc học trò Tử Cống: “Không học lễ, không biết lấy gì lập thân”.

Trong quan hệ giữa người và người, người ta luôn chú ý làm thế nào để xưng hô với nhau, làm thế nào chung sống với nhau, đón tiếp nhau, ăn uống phải có cử chỉ ra sao… để thể hiện mình là người có ý thức. Người hành động hợp với lễ mới gọi là người có tu dưỡng, giáo dục.

Lễ nghĩa ảnh hưởng đến hành vi của con người, ví dụ nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện “Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà”. Mẹ Mạnh Tử hiểu rằng nếu từ nhỏ mà con mình đã ngôn hành bất chính, hành vi không hợp lễ nghĩa thì lớn lên khó thành người quân tử, vì thế mà bà đã ba lần phải chuyển chỗ ở.

Ban đầu nhà Mạnh Tử ở gần nghĩa trang, Mạnh Tử thường cùng bạn bè nô đùa trên những nấm mộ, vì thế mẹ Mạnh Tử cho rằng đây là điều không tốt nên chuyển nhà. Nhưng khi chuyển đến nơi mới, bên cạnh nhà mới lại là khu giết mổ gia súc, thấy Mạnh Tử hay bắt chước chơi trò giết mổ, mẹ Mạnh Tử cảm thấy không ổn nên lại phải chuyển nhà. Cuối cùng chuyển đến bên cạnh thái miếu, Mạnh Tử bắt chước các quan văn đi ra đi vào và học được lễ nghĩa, lúc này mẹ Mạnh Tử mới thấy an lòng. Sở dĩ Mạnh Tử thành Nho sĩ nổi tiếng thời chiến quốc là nhờ công giáo dục con sáng suốt của mẹ.

Lễ nghĩa xã hội Trung Quốc ngày nay

Ngày nay, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục thừa kế những quy phạm lễ nghĩa trước đây, xã hội họ ngày càng xem trọng cách ăn nói và hành động tôn kính giữa người với người, những thứ mà trong Cách mạng Văn hóa bị xem là cổ hủ (tứ cựu, phong kiến) phải xóa bỏ.

Gần đây, bài viết “Du khách Trung Quốc, bạn có thấy nhục không?” đăng trên tờ Nam Phương Cuối tuần đã có nhận định: “Học sinh Trung Quốc vào trước thời Cách mạng Văn hóa rất lịch sự, sau khi trải qua các cuộc đấu tố và chứng kiến gia sản bị tịch thu, bị bắt lên núi xuống làng, thế rồi chúng đã học được cách khạc nhổ bừa bãi và chửi bậy thỏa thích. Khi người lớn nhắc nhở chúng thì chúng cãi lại rằng các anh chị công nhân, nông dân và binh lính đều như thế”, “Người nào đã sống qua thời Cách mạng Văn hóa thì rất khó khăn khi nói câu xin lỗi. Ngay cả một người thật thà như tôi nhưng trong tiềm thức luôn nghĩ đến dùng vũ lực để giải quyết vấn đề”.

Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội không còn lễ nghĩa là có liên hệ với quan niệm bị nhồi nhét trong thời gian dài, tưởng tượng mọi người là kẻ thù, mọi vấn đề trong cuộc sống thường ngày là một phần của đấu tranh sinh tồn. Đối với kẻ thù thì không thể nói chuyện lễ nghĩa, “cách mạng không phải là mời khách dùng bữa”. Cho đến thế kỷ 21, loại lý luận này hiện vẫn không bị mất đi mà chuyển hóa thành logic tàn nhẫn của tình trạng thiếu hụt tài nguyên và đấu tranh xã hội. Chúng ta hiện không phải thiếu giáo dục mà là thừa giáo dục, đó là thừa “giáo dục đấu tranh”.

Có nhiều học giả thì cho rằng, sự thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua làm xã hội Trung Quốc bị đứt gãy, không còn chuẩn mực. Trong xã hội truyền thống mọi người xem trọng tôn ti trật tự, nhưng sau năm 1949 thì mọi người đều trở thành “đồng chí” của nhau. Nhà văn mạng Hồng Minh viết trên blog:

“Khi dạy lễ nghĩa lại bị xem là cổ hủ phải xóa bỏ nghĩa là đã hủy hoại nền móng văn hóa tinh thần Trung Quốc truyền thống; làm người Trung Quốc bị lạc hướng trong chuẩn mực về cái xấu và cái đẹp. Từ đây làm con người ngày càng rời xa ‘lễ’. Mọi người không biết đến nội hàm của ‘lễ’, xem hành vi đạo đức là ‘hư ngụy’ và ‘chủ nghĩa hình thức’, đây là nguyên nhân làm sụp đổ ý thức về lễ nghĩa của người Trung Quốc”.

Quan hệ giữa người với người trong xã hội Trung Quốc hiện nay dường như hoàn toàn đổ vỡ, tính bạo lực trong xã hội ngày càng gia tăng. Trong «Lễ ký» có ghi: “Khi kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, đa số chèn ép thiểu số, kẻ hiểu biết đi lừa gạt, người bệnh không ai chăm, người già và trẻ thơ không nơi nương tựa, là biểu hiện của thời đại loạn”. Có thể thấy, đây chính là nguy cơ mà xã hội Trung Quốc ngày nay đang phải đối diện.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook