Thứ Sáu, 15/07/2016 | 11:39

“Thuốc thông minh” hay còn gọi là Nootropic được sinh viên cùng học giả phương Tây sử dụng để đạt điểm cao và thúc đẩy trí não hoạt động.

Nếu một số vận động viên sử dụng thuốc tăng cường hiệu suất (PED) để hỗ trợ thể chất thì nhiều học giả, sinh viên tìm đến “thuốc thông minh” để kích thích trí óc tư duy. Sau khi sử dụng, nhiều người quả quyết nhận toàn điểm A+ thay cho C, viết báo cáo 2.000 chữ chỉ trong 1,5 giờ và giác quan sắc bén hơn. Vậy “thuốc thông minh” tác động như thế nào đến não bộ?

Sự thật về 'thuốc thông minh' của sinh viên phương Tây

Ảnh: Medical Daily.

Theo Medical Daily “thuốc thông minh” còn được biết đến dưới cái tên Nootropic, thường được kê cho bệnh nhân suy yếu nhận thức do bệnh Alzheimer, tâm thần phân liệt, tăng động giảm chú ý (ADHD), chấn thương sọ não. Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh) phát hiện modafinil, một loại “thuốc thông minh” phổ biến trong giới sinh viên quả thật cải thiện kỹ năng nhận thức, bao gồm cả trí nhớ. Modafinil vốn được sản xuất để điều trị các rối loạn như chứng ngủ rũ, ADHD cùng các tình trạng tương tự. Tác dụng tăng cường tư duy của modafinil chỉ xuất hiện ở người có bộ não khỏe mạnh.

Tiến sĩ Mitul Mehta, nhà tâm lý thần kinh từ Đại học King (Anh) giải thích “thuốc thông minh” tăng cường lưu lượng thông tin trong một số hệ thống não bộ nhất định, giúp ổn định hoạt động thần kinh. Ông cho rằng những loại thuốc này tác động đến thùy trán, nơi kiểm soát các kỹ năng nhận thức quan trọng như biểu hiện cảm xúc, giải quyết vấn đề, trí nhớ, ngôn ngữ, đánh giá và hành vi tình dục. Ngoài ra “thuốc thông minh” tạo điều kiện cho mạng lưới thần kinh xử lý thông tin mà không gặp trục trặc.

Tiến sĩ Anders Sandberg, nhà triết học tại Đại học Oxford vừa nghiên cứu vừa sử dụng “thuốc thông minh”. Ông cho biết các loại thuốc này có xu hướng làm tăng huyết áp và dù chúng giúp bạn dễ dàng lưu trữ kiến thức, bộ não sẽ trở nên bị ám ảnh bởi việc tiếp thu những cái mới. “Bạn cần phải sử dụng đúng thuốc cho đúng mục đích”, tiến sĩ khuyến cáo. 

Việc sử dụng “thuốc thông minh” trong cộng đồng sinh viên còn tạo ra áp lực ganh đua. Giáo sư Barbara Sahakian ở Đại học Cambridge (Anh) quan sát nhiều sinh viên cảm thấy mình bị ép buộc sử dụng thuốc bởi tất cả người khác đều uống để đạt điểm cao. 

Dù sao đi nữa, khác với PED thực sự giúp vận động viên tăng cơ bắp, “thuốc thông minh” không làm tăng IQ mà cải thiện độ tập trung và hiệu suất công việc. Người sử dụng nên lưu ý “thuốc thông minh” không được tạo ra nhằm mục đích học tập, làm việc. Nhiều khả năng tác dụng “kỳ diệu” của chúng chỉ là hiệu ứng giả dược.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook