Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:27

Bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống) đứng thứ hai sau đục thể thủy tinh là một trong các nguyên nhân gây mù lòa ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục.

Tuy có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên, nhưng theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương tại nước ta, có tới 95% người dân được hỏi cho biết, không nghe, không biết hoặc biết rất lơ mơ về bệnh glôcôm.

Vậy biểu hiện của bệnh glôcôm (thiên đầu thống) như thế nào? Cách điều trị ra sao? Benh.vn sẽ cùng bạn đọc giải đáp những thắc mắc này.

Bệnh thiên đầu thống được hiểu như thế nào

Bệnh thiên đầu thốnglà nhóm bệnh mà ở giai đoạn toàn phát có 3 dấu hiệu đặc trưng là: áp lực trong mắt tăng cao, vùng nhìn bị thu hẹp lại và tổn thương đĩa thị giác.

Sự nguy hiểm của bệnh thiên đầu thống

Bệnh Glôcôm (thiên đầu thống) với tổn thương đặc trưng của đầu dây thần kinh thị giác, thường gây ra do áp lực trong nhãn cầu (nhãn áp) tăng. Đây là căn bệnh khá phổ biến đồng thời cũng rất nguy hiểm. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 30.000 người mù do glôcôm. Bởi vậy, glôcôm đang là gánh nặng cho nhiều gia đình cũng như cho toàn xã hội.

Theo WHO dự báo thì đến năm 2020, ước tính trên thế giới và các nước trong khu vực sẽ có khoảng 80 triệu người bị mắc bệnh Glôcôm. Kết quả điều tra của Bệnh Viện Mắt trung ương từ năm 2007 – 2009 trên 16 tỉnh, thành ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mù lòa chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh Glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5 %. Năm 2009, bệnh nhân bị glôm có tiền sử dùng corticoid nhỏ mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%. Đây là điều đáng báo động về vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng.

Các triệu chứng của bệnh thiên đầu thống

– Đau đầu một bên (60% các trường hợp). Cơn đau có thể bắt đầu âm ỉ (dull ache) nhưng sau đó trở nên nhức nhối (throbbing) và có thể làm mất hết khả năng (incapacitating).

– Những biểu hiện đầu tiên là khó nhìn theo đúng trục mắt, thị trường bị thu hẹp dần, thỉnh thoảng có cảm giác nhức mắt…

– Giai đoạn báo động có thể xảy đến đột ngột: thị lực giảm nhanh, có cảm giác nhìn thấy những quầng tối có màu sắc, đau nhãn cầu và chảy nước mắt…

– Trường hợp cấp tính: mắt trở nên đỏ, hoàn toàn không nhìn thấy gì, nhức đầu và đau có tính lan tỏa. Buồn nôn và nôn cũng rất hay gặp.

– Sợ ánh sáng (photophobia), sợ tiếng động (phonophobia)

– Thay đổi tính khí (mood changes)

Các hình thái: có 2 hình thái

Glôcôm góc đóng: thường xảy ra ở những người trung niên trở lên. Bệnh nhân thấy nhức mắt, nhức đầu dữ dội, đỏ mắt nhưng không có rử mắt, buồn nôn và nôn, nhìn mờ và thấy các quầng xanh đỏ quanh nguồn sáng.

Glôcôm góc mở: đang chiếm tỉ lệ tương đối lớn, xảy ra ở những người trẻ hoặc trung niên. Thường chỉ có triệu chứng nhìn mờ từ từ, không đau nhức hay đỏ mắt gì nên bệnh nhân dễ bỏ qua, không chú ý đến, đến khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn muộn và không hồi phục thị lực.

Những người có khả năng mắc bệnh cao

– Người từ 35 tuổi trở lên (bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh gọi là thiên đầu thống bẩm sinh).

– Những người đang mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đục thủy tinh thể quá chín, viêm màng bồ đào, chấn thương mắt… đều có thể biến chứng thành thiên đầu thống.

 – Những người dùng thuốc corticoid để nhỏ mắt hoặc bôi toàn thân trong thời gian dài.

– Những người mà trong gia đình có bố mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh thiên đầu thống.

Cách điều trị

Tùy theo hình thái Glôcôm mà có các chỉ định điều trị khác nhau: Có thể dùng thuốc, Laser hoặc phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc:

Áp dụng cho hình thái Glôcôm góc mở. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc dùng để điều trị Glôcôm góc mở có hiệu quả. Tuy nhiên việc điều trị bằng thuốc phải được bệnh nhân tuân thủ một cách chặt chẽ và phải được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ nhãn khoa.

Điều trị bằng Laser:

Áp dụng cho hình thái Glôcôm góc đóng ở những giai đoạn rất sớm hoặc những mắt Glôcôm tiềm tàng.

Điều trị bằng phẫu thuật:

Áp dụng cho hầu hết các hình thái Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở nếu dùng thuốc mà nhãn áp không điều chỉnh.

Phòng ngừa

– Người đã biết mình bị thiên đầu thống nên theo dõi đều đặn nhãn áp 3-4 tháng/lần suốt đời, có sẵn thuốc uống, tra ngừa cơn cấp do thầy thuốc chỉ định.

– Khi có tiền sử gia đình bị thiên đầu thống thì mọi người trong gia đình cần làm xét nghiệm để phát hiện thiên đầu thống từ khi chưa có những biểu hiện đầu tiên.

– Với những người bị tăng huyết áp, thì khi huyết áp tụt đột ngột có thể tạo cơ hội thuận lợi để bùng phát cơn thiên đầu thống.

– Người chưa biết mình có thiên đầu thống nên căn cứ vào các dấu hiệu đau nhức mắt, nhìn mờ dần, có những đợt, những lúc nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ thì nên đến khoa mắt để đo nhãn áp và làm các xét nghiệm phát hiện bệnh.

Kết luận

Bệnh thiên đầu thống có thể biểu hiện với các triệu chứng rầm rộ nhưng lại cũng có thể chỉ là những triệu chứng âm thầm, không gây chú ý. Vì vậy, nếu ở tuổi trên 35, khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ (nhức mỏi, nhìn mờ) thì nên đi khám mắt ngay để được đo nhãn áp.

Trên 40 tuổi, tuy không có dấu hiệu gì, cũng nên đo nhãn áp định kỳ 3 – 6 tháng một lần để xem nhãn áp có cao không, nhất là với những người có khả năng mắc bệnh cao như đã nêu ở trên.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook