Phát hiện bị sỏi bàng quang 10 năm nhưng ông Văn (65 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) không điều trị, đến khi vào viện thì viên sỏi đã có đường kính 250 mm và nặng 0,5 kg.
Viên sỏi chiếm hết thể tích bàng quang của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Trần Thiện Việt, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E – người trực tiếp mổ – cho biết, bệnh nhân nhập viện vào ngày 28/12 trong tình trạng đi tiểu buốt, ngắt quãng, tức nặng vùng bụng dưới. Qua thăm khám, bác sĩ thấy một khối cứng trên xương mu. Kết quả siêu âm và X-quang ổ bụng cho thấy bệnh nhân bị sỏi bàng quang có kích thước lớn. Viên sỏi chiếm gần hết thể tích bàng quang của người bệnh.
Theo người nhà, ông phát hiện bị sỏi bàng quang 10 năm nay nhưng không điều trị và khám thường xuyên. Gần đây, ông thấy đi tiểu khó, buốt, đi tiểu nhiều lần nên mới đến Bệnh viện E khám.
Viên sỏi nặng 0,5 kg được lấy ra từ bàng quang người bệnh.
Viên sỏi chèn ép gây giãn niệu quản và đài bể thận phải. Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân để bệnh đến mức độ này rất nguy hiểm. Bệnh nhân được chỉ định mổ vào sáng 29/12. Các bác sĩ không đặt được xông tiểu vì viên sỏi quá lớn nằm ngay lỗ vào của niệu quản. Khi mở bàng quang, bác sĩ bất ngờ vì viên sỏi có kích thước lớn, dính chắc vào niêm mạc bàng quang. Viên sỏi sần sùi, đường kính khoảng 250 mm, nặng 0,5 kg. Ca mổ kéo dài 30 phút.
Cách đây 2 năm, bệnh viện từng mổ cho một bệnh nhân bị sỏi bàng quang kích thước 280 – 300 mm, nặng khoảng 0,7 – 0,8 kg.
Bác sĩ Việt khuyến cáo, gần đây, số lượng người mắc sỏi bàng quang được phát hiện tăng. Nguyên nhân là do thói quen nhịn tiểu, uống ít nước.
Nếu sỏi bàng quang nhỏ, bệnh nhân có thể được chỉ định tán sỏi nội soi, khả năng phục hồi nhanh, chi phí điều trị ít, không để lại sẹo, đặc biệt, bệnh nhân không phải trải qua ca mổ lớn khi sỏi phát triển to. Sau mổ, với những người có cơ địa tạo sỏi bàng quang nên thường xuyên kiểm tra định kỳ 3-6 tháng một lần để kiểm soát phát hiện sớm sỏi mới.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.