Sữa được nhiều người xem như là một thực phẩm tốt cho cơ thể, nhưng nếu bạn uống không đúng cách thì thật uổng phí, thậm chí là lợi bất cập hại.
1. Uống sữa khi đói
Không nên uống sữa khi đói. Vì khi đó dịch vị dạ dày tiết ra có nhiều axit làm kết tủa sữa, có thể gây rối loạn tiêu hóa. Thậm chí, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn, nhất là những người không quen uống sữa, người đã lớn tuổi (vì hệ men tiêu hóa sữa không còn).
2. Đun sôi sữa trước khi uống
Thông thường, nhiệt độ khử trùng của sữa yêu cầu không cao, ở 70℃ trong 3 phút, 60℃ trong 6 phút là được. Nếu nấu sôi đến 100℃, chất lactose trong sữa sẽ bị biến chất, có thể dẫn đến ung thư. Ngoài ra, can-xi trong sữa cũng bị kết tủa làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa.
3. Đun sữa lâu dưới lửa nhỏ
Bạn đang bận việc khác, và để sữa trên bếp? Dù là lửa nhỏ, đừng đun sữa quá lâu vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng trong sữa.
4. Uống sữa cùng với nước trái cây hay đồ uống có tính axit
Theo các nhà nghiên cứu, có đến 80% protein trong sữa là casein, vì thế khi uống sữa cùng trái cây, một số lượng lớn casein kết tủa và tích lại trong cơ thể bạn, gây khó khăn cho việc tiêu hóa và hấp thụ. Thậm chí có thể dẫn đến khó tiêu hoặc tiêu chảy. Vì vậy, không nên thêm nước trái cây và đồ uống có tính axit khác trong sữa.
5. Sữa quá đặc
Nếu bạn uống sữa quá đặc, nồng độ sữa sẽ vượt quá tiêu chuẩn bình thường. Điều này có thể khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt, nếu cho trẻ thường xuyên uống sữa quá đặc sẽ gây ra đau bụng, táo bón, ăn uống không ngon hoặc bỏ ăn, trường hợp nặng thì dẫn đến viêm ruột non xuất huyết cấp tính. Điều này là do cơ quan nội tạng của trẻ còn yếu, không chịu nổi gánh nặng và áp lực quá lớn.
6. Cho thêm chocolate vào sữa
Sữa thêm chocolate sẽ làm cho can-xi trong sữa và axit oxalic trong chocolate kết hợp với nhau, hình thành can-xi oxaliate kết tủa làm mất dinh dưỡng và có thể gây rối loạn tiêu hóa. Do đó nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên dùng chung 2 loại thực phẩm này cùng nhau.
7. Uống thuốc cùng với sữa
Sữa làm giảm hẳn tốc độ hấp thụ thuốc khi uống 2 thứ này cùng nhau so với việc uống thuốc không uống sữa.
Uống thuốc cùng với sữa còn dễ làm cho thuốc hình thành màng bao phủ trên bề mặt, làm cho can-xi trong sữa và ion khoáng chất như kẽm… phản ứng hóa học với thuốc, làm giảm hiệu quả thuốc, và có thể gây nguy hại cho cơ thể. Vì vậy trong 1-2 tiếng trước và sau khi uống thuốc, tốt nhất không nên uống sữa.
8. Uống quá nhiều sữa một lúc
Uống quá nhiều sữa cùng lúc, khiến cơ thể của bạn không hấp thu được hết, và còn có thể gây khó chịu, thậm chí rối loạn tiêu hóa.
Với người lớn thì lượng sữa phù hợp là 200ml/lần, còn với trẻ em thì 150ml/lần. Nếu muốn uống nhiều sữa hơn, hãy chia nhỏ lượng sữa để uống nhiều lần trong ngày.
9. Cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi
Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi vì lúc này hệ tiêu hóa của bé còn chưa hoàn thiện để tiêu hóa sữa tươi, do đó dễ bị rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
10. Cho đường vào lúc sữa đang nóng
Không cho đường vào lúc sữa đang nóng, vì trong sữa bò có chứa lysine sẽ phản ứng với đường khi nhiệt độ cao, sinh ra lysine gốc glucose, chất này có hại cho cơ thể. Nên để sữa vừa ấm mới cho đường.
Vậy để thu được lợi ích tốt nhất, chúng ta nên làm thế nào?
Bạn có thể uống sữa vào bất cứ thời gian nào trong ngày nhưng không phải là lúc đói meo. Trước khi uống hãy lót dạ bằng chút bánh hoặc đồ ăn nhẹ, như thế sẽ giúp quá trình hấp thu canxi trong sữa được tốt hơn.
Một ly sữa ấm trước khi ngủ nửa tiếng được xem là tốt, vì trong sữa tươi có trytophan, một axit amin cần thiết để sản xuất ra serotonin và melatonin, giúp bạn nhanh chóng đi vào giấc ngủ và điều hòa giấc ngủ được ổn định.
Tú Linh
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.