Chủ Nhật, 25/10/2015 | 22:31

Khái niệm legio (quân đoàn) đã có từ thuở sơ khai của nhà nước La Mã, và legio khi đó là một đội quân hoàn toàn khác biệt với hình ảnh đội quân vô địch thường thấy trong các bộ phim.

Nói đến các quân đoàn (legio) La Mã, người ta thường nghĩ ngay tới một đội quân bộ binh hạng nặng với những áo giáp, mũ giáp bạc sáng choang với chiếc mào đỏ rực trên đỉnh, những chiếc khiên chữ nhật cỡ lớn cũng màu đỏ và những cây đoản kiếm. Một đội quân chuyên nghiệp, thiện chiến, đầy kỉ luật, hầu như bất khả chiến bại ở thế giới phương Tây.

Quân đội Lã Mã được tổ chức như thế nào?

Nhưng trong thực tế, hình ảnh phổ biến đó chỉ đại diện cho một thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi kéo dài khoảng 2 thế kỉ. Khái niệm legio đã có từ thuở sơ khai của nhà nước La Mã, và legio khi đó là một đội quân hoàn toàn khác biệt với hình ảnh đội quân vô địch thường thấy trong các bộ phim.

Ban đầu, khái niệm legio dùng để chỉ toàn bộ quân đội vương quốc La Mã. Quốc vương thứ 6 của La Mã, Servius Tullius (trị vì 578 TCN-535 TCN), tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên, phân chia các công dân thành 5 tầng lớp dựa theo khả năng tài chính, nhằm phục vụ mục đích quân sự. Khi có chiến tranh, 3 tầng lớp giàu hơn được triệu tập vào binh chủng bộ binh nặng kiểu hoplite Hy Lạp, tầng lớp thứ 4 là lính ném lao và thứ 5 là lính quăng đá. Kỵ binh được triệu tập từ các eques – các “hiệp sĩ” của vương quốc La Mã. Vũ khí quân trang là do người lính tự trang bị nên các tầng lớp giàu có hơn sẽ được vũ trang tốt hơn.

Quân đội La Mã ban đầu được tổ chức từ các centuria khoảng 100 người. Các centuria gộp lại thành legio – quân đoàn duy nhất của vương quốc La Mã. Sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ và thay thế bởi nhà nước cộng hòa, quân đội La Mã tách ra làm 2 quân đoàn – mỗi quân đoàn được chỉ huy bởi một vị quan chấp chính (consul).

Quân đội La Mã thời kì này chiến đấu theo đội hình phương trận (phalanx) trên địa hình phẳng, giống các quân đội Hy Lạp cổ: toàn bộ binh lính xếp thành một chiến tuyến dài nhưng mỏng, chĩa giáo về phía trước tạo thành một bức tường giáo. Đội hình phương trận rất mạnh và vững chắc ở mặt trước nhưng lại rất kém linh hoạt, dễ dàng đứt đoạn trên địa hình gồ ghề và tan vỡ nhanh chóng nếu bị tấn công từ phía sườn hoặc phía sau.

Nhận thấy các điểm yếu của mô hình cũ sau thất bại tại Allia năm 390 TCN, quan độc tài Marcus Furius Camillus chiến bãi bỏ đội hình phalanx, chuyển sang dùng đội hình triplex acies (“tam chiến tuyến”) cho quân đội La Mã. Như cái tên nói lên, đội hình này có trụ cột gồm 3 tuyến bộ binh nặng:

Quân đội Lã Mã được tổ chức như thế nào?

Hastati (dạng từ số ít: hastatus) : ban đầu mỗi người lính mang một khiên bán trụ (scutum), mặc giáp nhẹ, thường là các tấm đồng che ngực, vũ khí chính ban đầu là giáo dài khoảng 2m gọi là hasta – đây là nguồn gốc của tên gọi “hastatus”. Đoản kiếm được mang theo làm vũ khí dự phòng khi giáo gãy hoặc kẻ thù tiến quá sát. Hastatus đứng đầu trong đội hình.

Principes (dạng từ số ít: princeps): Trang bị của princeps tương tự hastatus nhưng các princeps giàu có hơn các hastatus nên những món vũ khí của princeps đạt chất lượng cao hơn. Họ mang giáp tốt hơn, nhiều nhất là giáp xích (maille). Họ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn các hastatus, nên trong đội hình họ đứng thứ 2.

Triarii (dạng từ số ít: triarius): những triarius là những chiến binh dày dặn kinh nghiệm nhất và giàu có nhất trong đội ngũ bộ binh quân đội La Mã, trang bị tốt nhất, đứng sau cùng trong đội hình và chỉ được tung ra trong tình huống nguy cấp. Đây thực chất các hoplite, chiến đấu trong đội hình phalanx kiểu cũ.

Ngoài 3 tuyến bộ binh nặng còn có levis (số nhiều leves) đứng phía trước hastatus. Đây là những người lính nghèo nhất, là lính phóng lao. Các leves không mặc giáp, chỉ cầm một chiếc khiên nhỏ và dao ngắn để phòng thân. Họ là những người đi đầu trên chiến trường và lùi lại phía sau các binh chủng khác khi địch áp sát. Kỵ binh của La Mã vẫn là các eques, đứng ở hai bên đội hình. Sử gia La Mã Livius còn ghi lại 2 binh chủng bộ binh dự bị, trợ chiến cho triarius, gọi là rorarius (số nhiều rorarii) và accensus (số nhiều accensi).

Sau cuộc chạm trán ban đầu của các levis, các hastatus đang đứng dãn cách sẽ nối liền thành một tuyến, tiến lên chiến đấu với quân địch. Nếu không phá vỡ được đội hình địch, các hastatus sẽ rút lui và hợp với princeps rồi tiếp tục tấn công. Nếu cả hastatus lẫn princeps đều thất bại, tất cả sẽ rút lui về phía sau trợ chiến cho triarius – hy vọng cuối cùng của quân đoàn.

Quân đội Lã Mã được tổ chức như thế nào?

Với các cải cách ban đầu của chấp chính Camillus, mỗi tuyến được chia thành 15 manipulus, mỗi manipulus 60 lính. Tuy nhiên tới khoảng đầu thế kỉ III TCN, sau cuộc chiến với liên minh Samnite, cấu trúc quân đội La Mã được điều chỉnh lại, với 10 manipulus cho mỗi tuyến hastatus và princeps, mỗi manipulus 120 lính, chia thành 2 centuria – tổng cộng 1200 lính mỗi tuyến, so với con số 900 trong mô hình Camillus. Tuyến cuối – triarius – giảm xuống còn 600, chia thành 10 manipulus, mỗi manipulus 60 người chia thành 2 centuria. Thay vì dùng giáo thì hastatus và princeps chuyển sang dùng đoản kiếm làm vũ khí chính. Một món vũ khí mới xuất hiện, có thể coi là “đặc sản La Mã” – cây lao pilum; mỗi hastatus và princeps được trang bị 2 cây pilum, chúng được phóng đi ngay trước khi những người lính La Mã lao vào cận chiến với quân địch. Levis, rorarius và accensi được hợp lại thành một binh chủng lính ném lao, gọi là veles (số nhiều: velites), chiến đấu như levis trước đó. Mô hình mới này được gọi là mô hình Polybius, theo tên sử gia Polybius.

Quân đội Lã Mã được tổ chức như thế nào?

Ngoài trụ cột chính là các công dân La Mã, quân đội La Mã còn sử dụng quân đồng minh với vai trò bộ binh nhẹ và kỵ binh, vốn là điểm yếu của quân đội La Mã. Tỉ lệ quân đồng minh trong các binh chủng này ngày càng lớn và cuối cùng hầu như thay thế hoàn toàn những người lính gốc La Mã.

Tham khảo WarHistoryOnline

Nguồn: genk.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook