Sau 3 ngày uống rượu liên tục, bệnh nhân nam ở Hà Nội được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, mắt mờ, tri giác lơ mơ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch: Hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim. Sau khi được cấp cứu cho tim đập trở lại, bệnh nhân được lọc máu, điều trị rối loạn suy thận… song tình trạng suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol trong máu lên tới gần 300 mg/100 ml máu, trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được coi là ngộ độc methanol.
Hầu như ngày nào Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Số bệnh nhân tăng lên vào cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết. Nguy hiểm nhất là tình trạng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol.
Theo bác sĩ, điều nguy hiểm là bệnh nhân uống rượu trắng cứ nghĩ không ngộ độc nên không đến viện sớm. Bên cạnh đó, rượu làm kéo dài các biểu hiện độc tính của methanol. Nhập viện càng muộn tình trạng ngộ độc càng nặng, bệnh nhân có thể bị mù lòa, tổn thương não, hôn mê kéo dài, thậm chí là tử vong.
Để phòng ngộ độc rượu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật…là biểu hiện ngộ độc, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
>> Xem thêm:
– Uống rượu bia bao nhiêu thì an toàn cho sức khỏe
– Những cách giải rượu tự nhiên
Hà An
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.