Thứ Tư, 18/09/2019 | 23:28

Phương pháp chẩn đoán phát hiện bệnh whitmore chính xác

Bệnh whitmore là  bệnh do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn whitmore) gây ra. Thực tế đây là căn bệnh nhiễm trùng đã có từ lâu (1950), bệnh cảnh lâm sàng của nó cũng giống nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác, nên thường bị chẩn đoán nhầm và bị các cơ sở y tế bỏ qua. Vi khuẩn gây bệnh whitmore sống trong đất ẩm và trong nước, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xây xước trên da, hoặc qua đường hô hấp do hít phải các hạt bụi đất có chứa vi khuẩn. Vì đất là môi trường sinh sống tự nhiên của vi khuẩn nên khi mưa lũ về sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát tán vi khuẩn whitmore. Ở thể diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ.

Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh viên phổi, áp xe phổi do các loại vi khuẩn thông thường

Vi khuẩn Whitmore có thể gây bệnh ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể nhưng đặc biệt gây bệnh cấp tính ở phổi rất nguy hiểm. Đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vi khuẩn whitmore rất phức tạp. Biểu hiện gây bệnh ở phổi thường có các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở, sốt, bạch cầu tăng cao hoặc giảm, chụp phim Xquang phổi thấy có tổn thương dạng viêm phổi lan tỏa hoặc có các ổ áp xe hoặc có tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ sốc nhiễm khuẩn ở bệnh nhân viêm phổi do whitmore khá cao, thường tử vong trong vòng 48 giờ nhập viện. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo, viêm phổi do vi khuẩn whitmore tiến triển rất nhanh, bệnh nhân dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh do whitmore lên tới  50-60%.

Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh lao

Đôi khi bệnh lại được liên tưởng tới bệnh lao, do vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn lao và vi khuẩn whitmore đều có thể tồn tại trong cơ thể rất lâu, chờ cơ hội bùng phát, điều trị bệnh lao và bệnh whitmore đều mất nhiều thời gian và cũng phải qua 2 giai đoạn tấn công và duy trì, cả hai bệnh này điều trị không tốt đều dễ tái phát. Nhưng bệnh whitmore thường gây bệnh cấp tính hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Mặt khác bệnh whitmore  khó có thể gây thành dịch giống như bệnh lao vì đường lây truyền không dễ dàng như bệnh lao. Tuy nhiên nếu chúng ta không quan tâm đến bệnh này sẽ rất nguy hiểm: không chú ý phòng vệ dễ bị mắc bệnh, không nghĩ đến bệnh nên điều trị thất bại, điều trị không đúng sẽ dẫn đến bệnh tái phát..

Phương pháp chẩn đoán phát hiện bệnh whitmore

Để phát hiện người có nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn. Tìm ra được vi khuẩn sẽ là bằng chứng chắc chắn nhất của nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore.

Thông thường, người ta sẽ nuôi cấy máu để xem vi khuẩn Whitmore có mọc lên trong mẫu máu đấy hay không. Người ta cũng có thể lấy các mẫu bệnh phẩm khác (ví dụ dịch áp xe ở phổi; dịch khớp) để nuôi cấy. Trường hợp trực khuẩn Whitmore mọc lên từ mẫu bệnh phẩm đấy, có thể chẩn đoán là bệnh Whitmore.

Nếu phát hiện trực khuẩn Whitmore trong máu, đó là nhiễm trùng máu; trong dịch khớp là viêm mủ khớp do vi khuẩn Whitmore; nếu phát hiện ổ áp xe ở cơ thì đó là thể bệnh áp xe cơ do vi khuẩn Whitmore.

Nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân nhất bao giờ cũng là thể nhiễm trùng máu, thậm chí, nặng nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, tiên lượng xấu, bệnh nhân dễ tử vong.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook