Cho tới ngày nay, phát minh được cho là của “yêu hậu” Đát Kỷ vẫn luôn gắn bó và phổ biến rộng rãi trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Sở hữu “tuổi đời” gần 3.000 năm lịch sử, đũa không chỉ là một trong những biểu tượng về văn hóa ẩm thực của Trung Hoa, mà còn được phương Tây ca tụng là “văn minh của phương Đông”. Nhưng ít ai biết rằng, vật dụng mà hầu hết người dân châu Á sử dụng trong bữa ăn hằng ngày lại được cho là phát minh của “họa hồng nhan” nổi tiếng Trung Quốc – “yêu hậu” Tô Đát Kỷ.
Những bí ẩn xoay quanh tên gọi
Theo các nguồn sử liệu của Trung Quốc, đũa bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ cuối thời nhà Thương (TK XVII – XI TCN). Đũa trong tiếng Hán cổ đại được viết là 箸, phiên âm là “trợ”. Có hai giả thuyết chủ yếu xoay quanh việc lý giải ý nghĩa tên gọi của vật dụng này.
Ngày nay, đũa trong tiếng Trung được gọi là 筷子, phiên âm Hán Việt là “khoái tử”. (Ảnh minh họa).
Nhiều người cho rằng, từ “trợ” để gọi đũa có liên quan tới việc đun nấu. Theo đó, trong thời kỳ đầu của nền văn minh, cổ nhân phải dùng đá để tạo lửa dùng nấu chín thức ăn. Việc nấu nướng khi ấy được họ tiến hành theo trình tự: lấy thùng gỗ to đựng nước, cho thịt vào thùng, tiếp đó lấy hòn đá nung đỏ bỏ vào thùng nước, lặp lại nhiều lần cho tới khi nước sôi lên và làm thịt chín.
Do hòn đá bị làm nóng thì mới có thể tạo ra lửa, nên không thể cầm trực tiếp trên tay mà phải dùng hai nhánh cây để kẹp rồi bỏ vào thùng. Hai nhánh cây này được gọi là “trợ”, cách đọc gần với từ “chử” (煮) có nghĩa là nấu. Vì phải bỏ hòn đá nóng vào thật nhanh, và “trợ” là do lấy nhánh trúc làm thành, vì thế người ta bổ sung thêm chữ “trúc” (竹) trên đầu, tạo thành chữ “khoái” (đũa – 筷).
Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh những tên gọi từ cổ chí kim của đôi đũa. (Ảnh minh họa).
Lý giải về tên gọi của đũa, một giả thuyết khác lại cho rằng ngoài tên “trợ”, đũa thời xưa còn được gọi là “cân” (trảo). Nhưng do “trợ” giống với chữ “trụ” (蛀)với hàm nghĩa xấu là “sâu mọt”, nên cổ nhân đã đổi thành chữ có ý nghĩa ngược lại, tức là chữ “khoái” (快- có nghĩa là “nhanh” hoặc “vui vẻ”).
Do nguyên liệu chủ yếu làm đũa thời bấy giờ là tre trúc, nên viết thêm chữ “trúc” (竹) lên đầu chữ “khoái”, tạo thành “khoái tử” (筷子) – tức là đũa trong tiếng Trung hiện đại.
Phát minh để đời của “họa hồng nhan”?
Cho tới ngày nay, hậu thế vẫn lưu truyền nhiều giai thoại khác nhau về thân thế của nhân vật phát minh ra đũa. Trong số đó, nổi tiếng hơn cả những là giai thoại về việc Tô Đát Kỷ sáng tạo ra đũa để hầu hạ Trụ Vương.
Tương truyền rằng, vào thời nhà Thương, bách tính vẫn ăn bằng cách bốc tay là chủ yếu, kẻ giàu thì có người hầu dùng tay dâng cơm đến tận miệng. Trong những năm cuối thời nhà Thương, Trụ Vương kế vị và trở thành Hoàng đế. Không lâu sau đó, ông vua này sa vào nữ sắc, rượu chè, say mê “yêu hậu” Tô Đát Kỷ tới mức bỏ bê triều chính, hoang dâm vô độ.
Trong nhiều truyền thuyết dân gian đều cho rằng Đát Kỷ là hồ ly tinh 9 đuôi hóa thành, có nhan sắc yêu kiều làm mê đắm lòng người, thuộc hàng hoạ đại mỹ nhân của Trung Hoa.
Do bản tính khát máu và háo sắc, việc hầu hạ Trụ Vương ăn cơm đã trở thành nỗi ám ảnh của cả hậu cung, trong đó Đát Kỷ cũng không phải ngoại lệ. Mỗi bữa, vua Trụ yêu cầu tất cả các món không được quá nóng, cũng không được quá nguội. Chỉ cần một món không đạt yêu cầu này, tất cả các đầu bếp ngự trù đều bị xử tử, những hạ nhân “bốc” cơm cho vua cũng không tránh khỏi cảnh vạ lây.
Một ngày nọ, Đát Kỷ hầu hạ Trụ Vương ăn cơm. Khi đến món nhà vua thích ăn, “yêu hậu” này liền thử một miếng, giật mình phát hiện món đó hơi nóng. Vì sợ Trụ Vương nổi giận, Đát Kỷ “cái khó ló cái khôn”, tháo hai chiếc trâm cài trên đầu, dùng chúng để gắp đồ ăn dâng lên cho nhà vua.
Đát Kỷ vừa dùng đũa gắp đồ ăn, vừa liên tục thổi. Nhờ vậy, món ăn dâng lên rất vừa miệng, Trụ Vương cũng không nổi giận. Trải qua vài ngày như vậy, việc hầu hạ nhà vua cũng không xảy ra sai lầm gì. Đát Kỷ thấy đó là biện pháp vừa an toàn, vừa dễ làm, liền hạ lệnh cho thợ thủ công chế tác ra một đôi đũa vàng.
Từ tiền thân là đôi trâm ngọc, đôi đũa đầu tiên được ghi lại trong lịch sử Trung Hoa được tạo tác bằng vàng, với mục đích là giải quyết vấn đề hầu hạ Trụ Vương. (Ảnh minh họa).
Lúc bấy giờ, đũa chưa có tên là “khoái tử” như bây giờ mà được gọi là “trợ”. Việc Đát Kỷ dùng đũa vàng để hầu Trụ Vương ăn cơm đã nhanh chóng lưu truyền khắp thiên hạ. Bấy giờ, quan lại và giới quý tộc cảm thấy vật dụng này có rất nhiều tiện lợi, liền thi nhau sai người trong nhà làm đũa. Nhưng việc tạo tác ra đũa vàng như Đát Kỷ thì quá mức đắt đỏ, nên họ đã dùng bạc làm nguyên liệu thay thế.
Nếu nhà vua dùng đũa vàng, quan lại dùng đũa bạc, thì bách tính bình dân liền dùng gỗ và tre trúc để tạo ra những đôi đũa phục vụ cho đời sống hằng ngày của họ. Trong quá trình sử dụng, người dân Trung Hoa xưa phát hiện những đôi đũa làm bằng trúc ít bị mối mọt hơn so với các loại gỗ khác. Từ đó, đũa trúc dần trở nên phổ biến và trở thành một biểu tượng của văn hóa ẩm thực Trung Quốc.
Và cho đến ngày nay, trước sự giao thoa văn hóa, người Việt Nam cũng dùng đũa như một thói quen khó có thể thay đổi trong bữa ăn hằng ngày.
Theo trithuctre
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.