Chủ Nhật, 24/01/2016 | 13:00

Thời gian qua, người tiêu dùng chưa hết hoang mang về chất cấm, tạo nạc trên lợn, thì gà lại “ăn” chất cấm Vàng ô tạo màu công nghiệp, rồi sử dụng chất hóa học độc hại ngâm măng, ủ chuối… Cận Tết cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các loại thực phẩm tăng cao, vì thế người tiêu dùng càng nơm nớp lo mua phải thực phẩm bẩn.

Nơm nớp thực phẩm bẩn

Thực phẩm kém chất lượng đe dọa trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng.

1. Ngay đầu năm nay dư luận đã bị rúng động bởi vụ việc rau bẩn tuồn vào các trường học ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo đó, rạng sáng ngày 14/1, Đội 4 Phòng cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội đã phối hợp với lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp Hà Nội phát hiện hàng trăm kg rau củ quả và thịt không rõ nguồn gốc đang vận chuyển vào 7 trường mầm non và tiểu học khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội.

Các thực phẩm này của Công ty Trung Thành thu gom từ chợ đầu mối Vân Nội, Đông Anh, sau đó sơ chế và “đội lốt” thực phẩm sạch để cung ứng cho các nhà trường. Sự việc đã ngay lập tức gây phẫn nộ trong dư luận.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, đó là hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”, lợi dụng, vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị xử lý kịch khung với hành vi vi phạm trên. Tuy nhiên, ông Phong cũng trấn an người dân: “Đây chỉ là những hạt sạn, chúng ta không phải vì hạt sạn đó mà mất hết niềm tin các sản phẩm rau quả an toàn”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì băn khoăn các cháu mầm non, tiểu học, là những đối tượng cần chăm sóc, quan tâm đặc biệt nhất, nhưng sao người lớn lại hành động như vậy?

Tiếp nhận thông tin này, các bậc phụ huynh như ngồi trên đống lửa. Một vị phụ huynh bức xúc: Mỗi bữa ăn đóng 30.000 đồng mà ai ngờ trường lại cho con chúng tôi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đối mặt với tình hình này, nhiều người đã phải bố trí thời gian tạm thời đón con về nhà ăn trưa, rồi chiều đưa trở lại trường. Tuy nhiên, theo họ đây chỉ là việc làm tạm thời và điều mà dư luận lo ngại hơn chắc gì thực phẩm mà gia đình cho con ăn ở nhà đã an toàn. Dường như cả xã hội đều chông chênh bên bờ vực của sự gian dối.

Được biết, năm 2014-2015, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.400 trường có bếp ăn bán trú. Trong đó, số trường tự tổ chức nấu ăn là 1.077 trường, có 317 trường phải thuê các đơn vị khác cung cấp suất ăn. Có thể thấy, việc phục vụ ăn bán trú tại trường của học sinh có rất nhiều hình thức khác nhau. Vì thế việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cực kì phức tạp. Và nỗi lo về bữa ăn cho con vẫn canh cánh theo các bậc phụ huynh.

2. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho biết: Theo số liệu thống kê, năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện đấu tranh 3.365 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính trên 2.400 vụ với số tiền gần 17 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 2 tháng cuối năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 428 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 341 vụ với số tiền là 2,5 tỷ đồng…

Nơm nớp thực phẩm bẩn

Nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng
không đảm bảo được bày bán công khai.

Mỗi ngày, các cơ quan chức năng lại phát hiện thêm nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP. Đầu năm nay, ngày 18/1, cơ quan chức năng xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai bất ngờ kiểm tra lò mổ heo lậu tại ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm phát hiện 4 người đàn ông đang giết mổ 5 con heo, tại nơi giết mổ nhiều thịt và nội tạng heo được vứt bừa bãi giữa sàn nhà dơ bẩn. Tiếp tục kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều con heo đã được xẻ thịt ngả màu, bốc mùi hôi thối ướp trong thùng đá chờ mang đi tiêu thụ.

3h45 ngày 19/1, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế Công an thị xã Tân Châu bất ngờ tiến hành kiểm tra và phát hiện 459 kg nội tạng động vật gồm bao tử, cuống họng, lưỡi, phổi, thận, thịt, huyết, gan, tim, mỡ… đã biến đổi màu sắc và bốc mùi ôi thiu tại nhà riêng của bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, 44 tuổi, ở phường Long Hưng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang…

Giật mình hơn, ngày 20/1, nhiều tờ báo lớn đã miêu tả chi tiết việc phơi nguyên liệu làm mứt, chế biến mứt ở một cơ sở trên đường Xuân La (Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Bắc từ Liêm, Hà Nội) ngay sát cạnh nhà vệ sinh, đồng thời cảnh báo việc “Mứt tết bẩn đi thẳng từ đất đến miệng người tiêu dùng”. Và, thịt cá bẩn mấy, thối mấy nhưng khi lên bàn tiệc vẫn là những thực phẩm đắt giá, bắt mắt và ngon miệng.

Tiếp nhận những thông tin này, nhiều người thực sự không giấu nổi sự lo lắng, nhưng họ biết làm thế nào để có được thực phẩm sạch mỗi ngày cho bữa ăn gia đình? Tết này nhiều người rủ nhau đụng lợn nuôi ở quê, nhờ họ hàng đặt mua rau sạch, gà sạch để ăn Tết. Nhưng một năm có 365 ngày, biết chăm sóc gia đình cách gì để ngăn chặn những thịt bẩn, thịt thối, rau nhiễm thuốc sâu từng ngày lén lút chui vào mâm cơm từng gia đình?

Về vấn đề này, ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y cho biết, để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp Tết , Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành (tăng 15% so với dịp Tết Canh Dần). Bà Nga đồng thời khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm ở những địa điểm có địa chỉ tin cậy, đảm bảo hợp vệ sinh.

Theo người dân, tại những chợ dân sinh nườm nượp người mua bán hàng ngày có ai đứng ra kiểm nghiệm thực phẩm đâu, người tiêu dùng biết tìm đâu địa chỉ tin cậy, hợp vệ sinh? Trăm người bán, vạn người mua, nếu có địa chỉ tin cậy, giá cả cao thì người dân cũng khó tiếp cận, giá cả bình dân thì dễ tái diễn cảnh xếp hàng, chen lấn, thậm chí va chạm …

Cũng theo khuyến cáo của ThS Trần Việt Nga, khi mua phải bất kỳ thực phẩm nào mà có nghi ngờ về chất lượng và an toàn, bạn có thể gọi điện thông báo đến Cục An toàn thực phẩm, hoặc các cơ quan quản lý ATTP của 3 Bộ gồm Y tế, Nông nghiệp và Công thương tại địa phương nơi gần nhất. Ngoài ra, bạn có thể phản ánh đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng hỡi ôi, được vạ thì má đã sưng.

3. Theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 175 hằng năm Việt Nam có từ 100.000-150.000 người mắc ung thư và khoảng 70.000 người tử vong do căn bệnh này.

Còn sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội quốc tế Phòng chống ung thư (UICC), có đến 30-50% các ca bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Việc không kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có chứa những hóa chất độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế hệ, không chỉ gây bệnh ung thư mà nhiều bệnh lý khác.

Chiều cuối năm, mưa lạnh, không khí càng ảm đạm hơn tại Bệnh viện ung bướu Hà Nội. Ung thư là sự chẩn đoán mà hầu hết mọi người thấy sợ hãi hơn bất cứ điều gì khác. Nhiều bệnh nhân ngồi suy tư. Người nhà của họ cũng vậy, trông ai cũng có vẻ mệt mỏi lo lắng, nỗi lo về sự tồn tại mong manh…

Nhìn họ những người – bệnh ung thư buồn bã, đau đớn chống chọi với bệnh tật, tự hỏi, trong số họ bao nhiêu người khốn khổ thế này vì từng ăn phải những miếng thịt đã bị thối rữa được ướp hóa chất độc hại mà không hay?

Lan Phương

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook