Thứ Sáu, 29/04/2016 | 18:13

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày lý tưởng cho kế hoạch du lịch của nhiều gia đình, chuyên gia cảnh báo nên chú ý giữ gìn sức khỏe.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo thời tiết những ngày nghỉ lễ nắng nóng, mưa rào và dông ở một số nơi. Với thời tiết thay đổi thất thường như vậy, người đi chơi cần thận trọng để không bị say nắng hay sinh bệnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý những cách giữ sức khỏe trong dịp nghỉ lễ dài ngày này. Đặc biệt là trẻ nhỏ, cha mẹ cần chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận hành trang trước khi cho con tham gia vào các hoạt động ngoài trời.

Nguy cơ bệnh tật

Say tàu xe: Nghỉ lễ nhu cầu đi lại nhiều, phương tiện hạn chế, tình trạng nhồi nhét hành khách khiến mọi người cảm thấy ngột ngạt. Nguy cơ thường xảy ra trong khi di chuyển là say xe, hay gặp ở phụ nữ và trẻ em. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, cơ thể khó chịu, nôn nhiều, da dẻ nhợt nhạt, toát mồ hôi thậm chí có thể tụt huyết áp…

Say nắng, nóng: Khi ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Các biểu hiện cho tình trạng này là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu.., còn có thể đột quỵ.

Cảm cúm: Bệnh xảy ra do cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, lạm dụng nước đá lạnh… Biểu hiện chủ yếu là sốt, đau họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu… Đặc biệt, khu du lịch là chỗ đông người nên rất dễ lây lan bệnh tật.

Bệnh đường tiêu hóa: Đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, chán ăn… là bệnh thường xuyên xảy ra trong dịp nghỉ lễ. Các vấn đề dinh dưỡng không đảm bảo, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không tốt, các món ăn, giờ giấc ăn uống thay đổi, thất thường là nguyên nhân gây bệnh.

Dị ứng: Bạn có thể bị dị ứng do đồ ăn, nước uống, côn trùng đốt hay thời tiết… Điều quan trọng là xác định được nguyên nhân dẫn đến dị ứng để có phương pháp điều trị thích hợp.

Côn trùng đốt: Mọi người du lịch vùng núi cần cẩn trọng với các loại côn trùng như nhện, muỗi, ong, rắn, rết… Mọi người chuẩn bị đồ bảo hộ khi lên rừng như mặc quần áo dài, đi giầy, ủng… Đặc biệt cần chuẩn bị thuốc bôi khi bị côn trùng đốt.

Đuối nước: Đợt nghỉ lễ nhiều gia đình lựa chọn đi chơi ở những vùng biển, sông, hồ để thư giãn. Tình trạng đuối nước ở trẻ rất phổ biến, cha mẹ cần chú ý đến con khi tắm biển. Đặc biệt, không nên tắm quá lâu sẽ dẫn đến say nắng hoặc chuột rút gây ra đuối nước.

Rối loạn giấc ngủ: Bệnh thường xảy ra đối với người cao tuổi do thay đổi chỗ ngủ, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, trạng thái mệt mỏi và căng thẳng thần kinh vận động thể lực quá mức… nên khó đi vào giấc ngủ.

Các bệnh lý mạn tính: Những người có bệnh mạn tính cần chú ý khi du lịch nghỉ lễ, nhất là với bệnh hen suyễn, tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Những việc cần làm

Lựa chọn địa điểm du lịch: Tùy vào điều kiện, tình trạng thời tiết, tình trạng sức khỏe… mà chọn những địa điểm nghỉ dưỡng phù hợp. Những gia đình có trẻ nhỏ không nên đi quá xa.

Ăn uống điều độ, hợp vệ sinh: Ăn uống đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, uống đủ nước. Nên hạn chế những món ăn sống, tái hay các đồ ăn lạ, tránh lạm dụng rượu bia và các chất kích thích. Chọn nhà hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cố gắng ăn uống đúng bữa, đúng giờ giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Trang phục phù hợp: Nên mặc quần áo, giày dép, mũ… gọn gàng, thoải mái, thấm hút mồ hôi, phù hợp với thời tiết. Không nên mặc quần áo quá bó, quá chật vì có thể ảnh hưởng tới lưu thông máu và quá trình di chuyển. Nếu có trẻ nhỏ đi cùng cần chuẩn bị kỹ càng như bỉm, sữa, quần áo, mũ, kính….

Nghỉ ngơi hợp lý: Dù mải mê tham gia các hoạt động ngoài trời, bạn cần chú ý ngủ nghỉ hợp lý. Không nên thức khuya hay ngủ nướng. Hãy cố gắng phân bổ thời gian như thường ngày.

Những loại thuốc dự phòng

Thuốc chống say tàu xe: Chuẩn bị vài viên thuốc chống say hoặc một số cao dán… để ngăn ngừa tình trạng say xe khi di chuyển.

Thuốc trị bệnh đường tiêu hóa: Cần mang theo các loại thuốc trị tiêu chảy như oresol, thuốc trị táo bón, thuốc trị khó tiêu đầy bụng. Nên chú ý thuốc dùng cho người lớn và thuốc dùng cho trẻ em.

Thuốc cảm sốt: Khi bị nhức đầu, sổ mũi mà không có thuốc uống bạn sẽ rất khó chịu. Hãy chuẩn bị một ít thuốc cảm để uống ngay khi có triệu chứng.

Thuốc giảm đau, hạ sốt: Nên có paracetamol dùng cho người lớn và trẻ em. Khi phải dùng đến thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol thì không được uống rượu.

Thuốc ho – dị ứng: Nên mua thuốc dạng siro làm dịu ho cho trẻ. Nếu là thuốc trị ho loại viên có chứa codein thì chỉ dành cho người lớn.

Thuốc dùng cho bệnh mạn tính: Những loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và đã được dùng hằng ngày, ví dụ bệnh tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, bệnh xương khớp, bệnh gút… cần có để uống đều đặn.

Kem chống nắng: Đây là vật dụng bạn nên mang theo mọi lúc mọi nơi để bảo vệ làn da khỏi những tác động có hại của tia UV, đặc biệt là trong điều kiện phải di chuyển ngoài trời nhiều. 

Dùng kem chống côn trùng: Bôi kem chống côn trùng đốt là cách để bạn phòng tránh bệnh nguy hiểm do muỗi, côn trùng đốt.

Một vài vật dụng khác: Bông ngoáy tai, thuốc nhỏ mắt…

Lê Nga

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook