Vụ sản phụ sinh mổ bị bác sĩ cắt nhầm niệu quản, bệnh nhân đau chân trái bị mổ nhầm chân phải… là những sự cố y khoa trong năm nay.
Hai bệnh nhân cùng tử vong sau gây mê tại một bệnh viện
Sáng 25/12, hai bệnh nhân được gây mê cách nhau 25 phút tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, Hà Nội. Bệnh nhân nữ phẫu thuật tuyến giáp còn bệnh nhân nam cắt amidan. Tất cả được gây mê nội khí quản, tiêm các loại thuốc gồm Atropine 0,25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê) rồi sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Chỉ 30 giây sau gây mê, 2 bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, song không qua khỏi. Nguyên nhân tử vong đang được điều tra.
Hầu hết bác sĩ chuyên ngành Gây mê – Hồi sức nhìn nhận đây là trường hợp tai biến rất hy hữu bởi xác suất xảy ra liên tiếp 2 ca tử vong sau gây mê tại cùng một bệnh viện là rất thấp. Một nghiên cứu của các chuyên gia Pháp thực hiện trên 200.000 bệnh nhân gây mê ghi nhận cứ 13.200 ca có một trường hợp tử vong, tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển.
Cụ ông được chẩn đoán có thai
Tháng 5, ông Nam bị run yếu tay chân, đến Bệnh viện Hạnh Phúc ở Long Xuyên, tỉnh An Giang, làm xét nghiệm huyết học, sinh hóa và nước tiểu. Ông nhận kết quả chẩn đoán “Theo dõi thai bình thường”.
Nguyên nhân sau đó được bệnh viện xác định là sự cố phần mềm đang nâng cấp dẫn đến sai sót. Ngoài ông Nam còn có 4 trường hợp khác đều có kết quả “theo dõi thai bình thường”, trong đó có một phụ nữ đã 60 tuổi. Ban lãnh đạo đã xin lỗi 5 bệnh nhân trên, đồng thời khiển trách các nhân viên y tế có liên quan.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Hà Tĩnh vào sáng 10/10. Ông Nguyễn Đình Trương, 67 tuổi, khám ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà. Bác sĩ chẩn đoán ông bị hen, do tăng huyết áp và “chưa xác định rõ gây biến chứng cho thai nghén, khi đẻ và sau khi đẻ, thận mạn/thiếu máu đề kháng/không xác định”.
Kết luận chẩn đoán bệnh của ông Trương.
Ông Trương sau đó được đưa vào khoa Nhi cấp cứu vì huyết áp cao và tử vong lúc chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Gia đình bức xúc cho rằng Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà chẩn đoán bệnh “khôi hài”, bất hợp lý nên yêu cầu làm rõ. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà giải thích việc chẩn đoán ông Trương “bị thai nghén” do lỗi hành chính khi vào mã bệnh, hoàn toàn không liên quan chuyên môn. Bệnh viện đã đình chỉ công tác điều dưỡng Lê Thị Nga (Khoa Nội) vì tự ý viết giấy ra viện và nhập nhầm mã số bệnh nhân.
Sản phụ sinh mổ bị bác sĩ cắt nhầm niệu quản
Ngày 23/6 chị Nguyễn Thị Oanh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa, để sinh con. Trong quá trình mổ bắt con, chị Oanh ra máu nhiều. Bác sĩ phải cắt bỏ tử cung sản phụ để cầm máu tránh nguy cơ tử vong. Sau mổ, chị Oanh tê liệt hoàn toàn về tiết niệu dẫn đến ứ niệu phù nề.
Ngày 24/6 chị được đưa vợ tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Cả gia đình và bất ngờ khi thông báo chị Oanh đã bị bác sĩ Bệnh viện huyện Nông Cống cắt đứt toàn phần niệu quản. Chồng của sản phụ yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Nông Cống nhận trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, song bị từ chối.
Chị Oanh suy giảm sức khỏe sau ca mổ sinh và bị cắt nhầm niệu quản. Ảnh: Lam Sơn.
Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống thừa nhận việc bác sĩ cắt nhầm niệu quản của sản phụ Oanh và nói rằng đây là trường hợp hy hữu ngoài ý muốn. Sau khi phát hiện bác sĩ cắt nhầm, viện đã chủ động giới thiệu chị Oanh đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh và đề nghị dùng phương pháp tốt nhất để chữa trị cho sản phụ, đồng thời kỷ luật những y bác sĩ có liên quan.
Bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ nhầm chân phải
Anh Thảo 37 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội, bị liệt thần kinh chày trước nên chân trái đi tập tễnh. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chỉ định mổ lấy cơ chày sau đưa lên cơ chày trước của chân trái để hỗ trợ vận động. Ca mổ diễn ra sáng 19/7. Phẫu thuật xong, bệnh nhân giật mình nhận ra đã bị mổ nhầm chân. Sau đó bác sĩ lại yêu cầu nộp tiền thêm mới phẫu thuật tiếp chân trái khiến gia đình bức xúc.
Theo tường trình của bác sĩ, khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã tiến hành sát khuẩn, che kín những vùng không cần can thiệp chỉ lộ một chân ra. Vì thế, phẫu thuật viên chỉ việc tiến hành các thao tác mổ như bình thường. Chiều 19/7, bệnh nhân đã được mổ lại chân trái. Lãnh đạo bệnh viện thừa nhận lỗi là của cả ê kíp. Bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ, miễn phí hoàn toàn chi phí, theo dõi sức khỏe sau này của bệnh nhân. Bác sĩ phẫu thuật nhầm cũng xin lỗi bệnh nhân.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.