Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 10 và tháng 11/2014, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã ghi nhận 13 trẻ bị sốt phát ban nghi sởi nhập viện điều trị, hai ca sốt phát ban nghi sởi khác cũng đang được điều trị tại khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (một bệnh nhi nhỏ dưới 9 tháng tuổi, một bệnh nhi hơn 1 tuổi). Số ca mắc sởi cũng ghi nhận rải rác tại các quận, huyện như: Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Gia Lâm, Chương Mỹ…
Theo các chuyên gia nhi, hàng năm vào thời điểm chuyển từ thu sang đông rất thuận lợi cho vi rút sởi phát triển. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đã nhiều hơn, lượng bao phủ đã rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, đối với những trẻ chưa có miễn dịch sởi (do chưa tiêm phòng), sinh ra từ những người mẹ chưa có miễn dịch sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.
Tiêm phòng sởi cho trẻ.
Vì vậy, để tránh nguy cơ bệnh sởi bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng chống dịch sởi, yêu cầu, Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện việc cấp cứu, điều trị tối ưu cho các trẻ bị sốt phát ban nghi sởi, chủ động phòng chống lây nhiễm chéo. Qua đó, Trung tâm y tế các quận, huyện cần chủ động giám sát ca bệnh tại cộng đồng, các bệnh viện được phân cấp và trường học cần khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng.
Bệnh sởi do vi rút gây ra, dễ lây truyền qua đường hô hấp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Trên thế giới (năm 2010), cứ mỗi 4 phút có một người chết vì bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã liên tục giảm mạnh qua các năm triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc, tỷ lệ mắc bệnh năm 2012 đã giảm 830 lần so với thời kỳ trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (năm 1984).
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi và các biến chứng của sởi.
Chưa có bình luận.