Bà mẹ dỗ con khóc mãi không được, bèn gọi một thanh niên ở ghế bên: “Chú ơi, chú ăn thịt nó đi này! Nó cứ khóc mãi”.
Câu chuyện thương tâm một bé gái 8 tuổi Trung Quốc đã thả em từ ban công tầng 8 sau câu nói đùa “bị cho ra rìa” của hàng xóm khiến không ít người giật mình. Dưới đây là bài viết của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh về những hệ quả khôn lường từ các câu đùa tưởng vô hại cho trẻ:
Nhiều người lớn lấy sự ngơ ngác của trẻ làm vui mà không biết câu đùa vô duyên là nguyên nhân gây xáo trộn tinh thần, thậm chí trầm cảm ở trẻ.
Tôi từng chứng kiến cậu bé 2 tuổi rưỡi oà khóc đau khổ khi người hàng xóm đùa cậu, rằng “bố có dì hai rồi, không về nữa đâu!” dù cậu không hiểu “dì hai” là gì! Sau đó có giải thích thế nào bé vẫn tủi thân, nức nở mãi đến thương.
Lại có cậu bé sang hàng xóm chơi được vài phút đã vội về nhà nằng nặc đòi vứt cái quần đi vì bác A bảo “con mặc quần của con gái!”.
Nhiều đứa trẻ chỉ thấy người lớn cười thôi cũng đã cảnh giác, khiến bố mẹ phải ra sức phân bua: “Đó là cười vui chứ không phải cười nhạo!”
Lại có lần đi máy bay, tôi nghe thấy câu chuyện “kinh dị”. Bà mẹ trẻ dỗ con khóc mãi không được, bèn gọi một thanh niên hàng ghế bên cạnh: “Chú ơi, chú ăn thịt nó đi này! Nó cứ khóc mãi”. Thanh niên kia nhanh chóng “nhập vai”: “Á à, đưa muối tiêu ra đây, lâu quá chưa được ăn thịt trẻ con!”. Nói thật là tôi đã rùng mình, choáng váng không hiểu nổi những người lớn đó nghĩ gì mà nói vậy.
Những câu nói người lớn tưởng vui đùa nhưng lại có thể tạo cảm xúc tiêu cực cho trẻ. Ảnh: Qykapp. |
Chuyện “đùa ác” và “hài hước” là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau; việc “doạ cho sợ” và “dạy con” cũng không đồng nghĩa. Thế nhưng, không phải ai cũng nhìn ra ranh giới của những khái niệm đó. Những người lớn thích đùa lấy sự ngơ ngác của đứa trẻ làm vui, đôi khi đùa chỉ là đùa, chẳng có ý gì. Sự vô ý vô tâm của họ, những câu đùa vô duyên của họ là nguyên nhân của những xáo trộn tinh thần, đôi khi cả trầm cảm của đứa trẻ. Nhưng thường thấy nhất vẫn là hiện tượng “cáu giận”, “tức điên lên” và càng tức càng bị trêu dai, đùa nhả.
Xin hãy thận trọng trong lời nói với trẻ – những lời có thể trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ.
Dù là trẻ con hay người lớn, con người đều có”cái tôi” của mình, và bất kỳ câu đùa nào liên quan đến giá trị của con người đó, đều có thể gây tổn thương, không cứ là các bé. Những từ như “hư, xấu, dốt, dở hơi, còm nhom, béo phì, không ai chơi, không ai thèm yêu, ra rìa rồi…” đều là những từ nhạy cảm, trực tiếp hạ thấp giá trị người đối thoại. Người lớn cũng có thể thấy khó chịu, không vui. Nhưng vì là người lớn, độ tự chủ cao, họ bình tĩnh hơn hoặc biết cách lái tình huống theo hướng họ muốn.
Với em bé độ tuổi mầm non, đặc biệt là lứa tuổi khủng hoảng lên 3, thì việc bị chê, bị giễu cợt khiến bé dễ dàng rơi vào trạng thái bùng nổ cảm xúc tiêu cực khiến các hành vi rối loạn, bé không kiểm soát được cơn xúc động của mình. Bé chưa đủ sức phân biệt những câu đùa ác hay một lời nói mỉa mai: mọi điều người lớn nói ra đều được bé tiếp nhận như sự thật, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý bé.
Các đứa trẻ nói chung, đặc biệt ở độ 2-3 tuổi và 13-15 tuổi là hai độ tuổi khủng hoảng, bố mẹ, người lớn cần phải kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình. Hai độ tuổi này nhạy cảm với sự giễu cợt, muốn bảo vệ cái tôi của mình, muốn được đối xử trân trọng, lắng nghe và cần cảm thấy được yêu, được quý. Cho nên, thay vì đùa cợt nói với bé một điều tiêu cực, hãy hỏi những gì khiến bé cảm thấy vui vẻ, chia sẻ với bé những băn khoăn, làm bé tự tin hơn.
Hãy loại bỏ sự đùa ác và sự dọa dẫm (ông Ba bị, ông Ngáo Ộp, chú công an đến bắt)… ra khỏi phong cách giao tiếp của bạn với trẻ nhỏ. Bằng không, nhẹ là lo sợ, hoảng hốt, thấy tức giận, nặng là bị ám ảnh, đêm không ngủ được, mơ hoảng. Nặng hơn nữa là trẻ có những hành vi lệch lạc, tiêu cực để giải quyết nỗi lo sợ, giận hờn của mình. Câu chuyện cô bé thả em trai của mình xuống đất sau câu đùa của người hàng xóm là một ví dụ đau lòng.
Những câu đùa ác với trẻ nhỏ: – Bố mẹ lượm con ở ngoài sọt rác: Bạn đọc Trần Vũ chia sẻ, câu nói này đã ám ảnh suốt thời thơ ấu của anh. Thậm chí năm lên 10 tuổi, anh có lần từng bỏ nhà ra đi vì câu nói đó. – Thằng này là “con ông ba bị”, “con bà ăn xin”, “con bác nhặt rác”… Những câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy bất an, thậm chí xấu hổ về bản thân, nhất là khi thấy nguồn gốc đó có vấn đề thấp kém. – Cháu là con nuôi thôi: Chị Thanh, 37 tuổi, chia sẻ, chị có một người chị gái sinh đôi. Ngày nhỏ, hàng xóm vẫn hay đùa “cháu là con nuôi, chứ bố mẹ làm sao sinh được nhiều thế”. Nghe nhiều đâm sợ, tới lớp 4 chị Thanh lúc nào cũng nơp nớp “không biết mình có phải con nuôi của bố mẹ không, bao giờ bố mẹ đuổi mình đi”. – Có em rồi, con/cháu bị ra rìa thôi. Câu nói này có thể khiến bé lo sợ sẽ không được bố mẹ yêu nữa hoặc xoáy sâu vào sự ấm ức, tỵ nạnh vốn đã có trong lòng bé khi gia đình có thành viên mới. – Bố mày đi với dì hai rồi: Câu nói này khiến trẻ sợ hãi, có tâm lý phòng thủ trước một “kẻ thù” có thể xuất hiện trong gia đình, cướp chỗ của mẹ và luôn cả của bé. |
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
Chưa có bình luận.