Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:57

Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do Clostridium tatani gây nên. Vi trùng tiết ra tetanospamin, là độc tố ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra biểu hiện co cứng cơ và co giật toàn thân. Bệnh diễn biến khó lường.

Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do Clostridium tetani gây nên. Vi trùng tiết ra tetanospamin, là độc tố ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra biểu hiện co cứng cơ và co giật toàn thân. bệnh diễn biến khó lường trước được, điều trị phức tạp, tỉ lệ tử vong còn cao. Bệnh không gây miễn dịch nên khi khỏi bệnh vẫn phải tiêm phòng để tránh tái phát.

II. Tác nhân gây bệnh

Clostridium tetani là trực khuẩn gram dương, kích thước 4-10 x 0,4-0,6 mm, có lông quanh thân, di động tương đối trong môi trường yếm khí. Trực khuẩn có thể tạo bào tử ở cuối thân, xuất hiện ở dạng hình dùi trống hoặc đinh ghim. Bào tử uốn ván có sức đề kháng rất cao, chịu đựng được sức nóng đun sôi 1 đến 3 giờ, tồn tại được trong dung dịch sát trùng như phenol, formalin. Trong đất khô, thiếu ánh sáng và không khí bào tử có thể sống đến nhiều năm. Bào tử hiện diện trong đất có nhiều phân, đôi khi cũng tìm thấy trong bụi.

II. Dịch tễ học

1. Tuổi:

Các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Ở các nước đang phát triển, uốn ván sơ sinh là một trong những nguyên nhân lớn gây tử vong. Tỷ lệ này ngược lại với các nước đã phát triển, đa số bệnh uốn ván xảy ra ở người lớn tuổi do lơ là việc tiêm phòng.

2. Giới tính:

Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (2,2 đến 1,6/1). Tỷ lệ tử vong ở phái nam cũng cao hơn nữ từ 1,3 đến 3 lần.

3. Phân bố địa dư:

Bệnh thường gặp ở vùng khí hậu nóng, ẩm và đất có nhiều chất hữu cơ.

4. Đường lây:

– Vết thương da niêm do tai nạn giao thông, thương tích chiến tranh, tai nạn lao động. Thường là những vết thương bẩn, dập nát. Ngoài ra có thể từ phỏng, tiêm chích không vô trùng.

– Tổn thương da niêm trường diễn: chàm, loét hoại tửda, ung thư da, viêm da do quang tuyến, viêm tai giữa.

– Vết thương phẫu thuật: thường là sản phụ khoa, đại tràng, vết sẹo cũ.

– Phá thai và đỡ đẻ không vô trùng

– Không tìm thấy đường lây: Tỷ lệ 10 %.

III. Lâm sàng:

Bệnh cảnh lâm sàng của uốn ván thường xếp làm 4 loại chính:

– Uốn ván toàn thân.

– Uốn ván cục bộ.

– Uốn ván đầu.

– Uốn ván rốn.

Trong bệnh cảnh uốn ván cần chú ý đến:

Thời kỳ ủ bệnh: là thời gian từ lúc bị thương đến lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên, trung bình từ 7 đến 14 ngày, ngắn nhất là 48 đến 72 giờ.

Thời kỳ khởi phát: là thời gian từ lúc có triệu chứng đầu tiên đến lúc xuất hiện dấu hiệu co thắt hay co giật, trung bình từ 2 đến 5 ngày.

Nếu thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ khởi phát càng ngắn thì bệnh càng nặng. Người nghiện ma túy bị uốn ván thì bệnh thường nặng, nguyên nhân chưa rõ.

a. Uốn ván toàn thân:

Là thể bệnh uốn ván thường gặp nhất. Bệnh khởi phát với mệt mỏi, nhức đầu, mỏi quai hàm và nhai khó, nói khó, nuốt vướng, uống nước sặc. Dần dần, hàm cứng không há lớn được. Thăm khám sẽ thấy:

– Cơ nhai co cứng, nổi rõ khi cử động.

– Dùng cây đè lưỡi cố mở hàm bệnh nhân thì hàm càng khít chặt lại.

– Không tìm thấy điểm đau rõ rệt ở vàng quai hàm.

Giai đoạn toàn phát uốn ván thể điển hình bao gồm các dấu hiệu :

1. Co cứng cơ:

Xuất hiện và lan tràn theo một trình tự nhất định, bắt đầu từ cơ nhai, kế đến là các cơ ở mặt làm cho bệnh nhân có nét mặt cười nhăn; sau đó đến cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới và cuối cùng mới đến cơ chi trên. Hiếm khi có co cứng cơ liên sườn.

Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong các tư thế đặc biệt như sau:

– Cong ưỡn người ra sau.

– Thẳng cứng cả người như tấm ván.

– Cong người sang một bên.

– Gập người ra phía trước.

2. Co giật và co thắt:

Co cứng toàn thân tự nhiên hoặc do kích động bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn. Nguy hiểm nhất là cơn co thắt hầu họng gây khó nuốt, sặc đờm và co thắt thanh quản đưa đến tím tái và ngưng thở.

3. Rối loạn cơ năng:

Khó nuốt, khó nói, khó thở do co thắt hầu họng, tăng tiết đờm nhớt, tắc nghẽn đường hô hấp.

4. Tổng trạng:

– Tỉnh táo.

– Không sốt cao lúc mới phát bệnh và 48 giờ đầu.

– Nếu hệ thần kinh thực vật bị tổn thương sẽ có các biểu hiện: mạch nhanh > 120-140 lần/phút, sốt cao, huyết áp dao động, vã mồ hôi nhiều, thở nhanh, tăng tiết catecholamin trong nước tiểu.

– Giai đoạn chót: huyết áp tụt.

B. Uốn ván cục bộ:

Co cứng cơ khu trú ở vị trí tương ứng với nơi xâm nhập của vi trùng uốn ván. Bệnh thường nhẹ và kéo dài, diễn tiến tự khỏi.

Bệnh hay gặp ở người đã có miễn dịch một phần với tetanospasmin (ví dụ đã được tiêm phòng SAT khi bị thương nhưng không xử trí vết thương đúng và không tiêm ngừa VAT). Co cứng cơ có thể lan sang chi đối diện hoặc có thể diễn tiến sang uốn ván toàn thân khi luợng độc tố đạt đến mức đủ đến hệ thần kinh trung ương.

C. Uốn ván thể đầu:

Là dạng đặc biệt của uốn ván cục bộ. Vết thương khu trú ở vùng đầu, mặt, cổ, thời gian nung bệnh thường ngắn hơn.

Có hai loại biểu hiện:

1. Thể không liệt:

Khởi đầu với triệu chứng co thắt hầu họng làm bệnh nhân khó nuốt, uống nước bị sặc.

2. Thể liệt:

Thường gặp hơn thể không liệt.

Liệt mặt ngoại biên: thường gặp nhất, liệt cùng bên với vết thương, liệt cả hai bên nếu vết thương ở ngay giưõa sống mũi.

Liệt dây thần kinh III, IV, VI: hiếm gặp hơn.

D. Uốn ván rốn:

Thời gian nung bệnh: 3 – 5 ngày.

Biểu hiện: trẻ bỏ bú, nhắm mắt, khóc không ra tiếng rồi không khóc, bụng co cứng, bàn tay nắm chặt, chân co cứng. Trẻ thường sốt cao, co giật nhiều, co thắt tím tái. Bệnh tiến triển tốt khi bé mở mắt, ngủ được, khóc to dần, hết co giật. Tỷ lệ tử vong còn rất cao: từ  70 đến 80%, do suy hô hấp, bội nhiễm, suy dinh dưỡng.

IV. Điều trị:

A. Săn sóc điều dưỡng:

Đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh uốn ván.

Phòng bệnh phải riêng biệt, bảo đảm yên tĩnh, không tiếng động, ánh sáng dịu.

Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, bù hoàn nước điện giải thích hợp, thức ăn thường là súp, sữa bơm hoặc nhỏ giọt qua ống thông dạ dày để tránh hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản khi bệnh nhân co giật và co thắt.

Vệ sinh cá nhân hàng ngày, hút đờm nhớt thường xuyên, xoay trở mỗi 4 giờ để tránh loét.

B. Thuốc sử dụng:

– Kháng độc tố uốn ván.

– Chống co giật

– Chống suy hô hấp:

+ Hút đờm thường xuyên, thở ôxy ngắt quãng

+ Mở khí quản khi cần thiết

+ Săn sóc bệnh nhân đã mở khí quản

+ Diệt vi trùng uốn ván

+ Điều chỉnh rối loạn hệ thần kinh thực vật

– Phòng ngừa và điều trị các biến chứng thường gặp:

+ Loét dạ dày tá tràng

+ Loét do nằm lâu

+ Những biến chứng ít gặp hơn: thuyên tắc phổi, ly giải cơ vân gây suy thận cấp.

VI. Phòng ngừa:

Phòng tái phát:

Bệnh uốn ván không tạo được miễn dịch, do đó phải tiêm giải độc tố uốn ván (VAT) liều đầu ngay cùng thời điểm với tiêm kháng độc tố nhưng ở vị trí khác và với kim chích khác. Tiêm nhắc lại lần 2 và lần 3, mỗi lần cách nhau 4 tuần.

Tiêm phòng uốn ván:

Trẻ mới sinh: 

Tiêm phòng theo lịch phòng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà theo lịch sau:

(DPT: Diphtheria – Pertussis – Tetanus tức bạch hầu – ho gà – uốn ván. Td: Tetanus và giải độc tố bạch hầu đã được giảm liều dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn).

Trẻ < 7 tuổi   Vacxin
Lần 1 Tháng thứ 2 (tuần thứ 5 – 6) DPT
Lần 2 4 – 8 tuần sau lần 1 DPT
Lần 3 4 – 8 tuần sau lần 2 DPT
Lần 4 1 năm sau lần 3 DPT
Nhắc lại 4 – 6 tuổi DPT
Nhắc lại kế tiếp Mỗi 10 năm kể từ lần cuối Td

Trẻ lớn và người lớn được tiêm theo lịch như sau:

Trẻ >= 7 tuổi và người lớn   Vacxin
Lần 1 Lần đến khám đầu tiên Td
Lần 2 4 – 6 tuần sau lần 1 Td
Lần 3 6 tháng đến 1 năm sau lần 2 Td
Nhắc lại Mỗi 10 năm kể từ lần cuối Td

Tiêm bắp, liều 0,5 ml.

Gây miễn dịch cơ bản gồm 2 liều cách nhau ít nhất 30 ngày.

Đối với phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ:

Liều 1 : Tiêm ở lứa tuổi dậy thì, càng sớm càng tốt.

Liều 2 : Cách liều 1 ít nhất 30 ngày.

Liều 3 : Cách liều 2 ít nhất 6 tháng hoặc khi có thai lần sau.

Liều 4 : Cách liều 3 ít nhất 1 năm hoặc khi có thai lần sau.

Liều 5 : Cách liều 4 ít nhất 1 năm hoặc khi có thai lần sau.

Đối với thai phụ chưa tiêm lần nào thì gây miễn dịch cơ bản 2 liều và liều thứ hai trước khi sinh ít nhất 30 ngày.

* Tác dụng phụ:

Đôi khi có sốt, chỗ tiêm có xuất hiện quầng đỏ, đau sưng nhẹ và tự mất đi.

Có thể bị dị ứng trong những trường hợp nhắc lại quá nhiều lần.

Benh.vn(Theo Viện Pasteur hcm)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook