Thứ Tư, 15/06/2016 | 12:56

Sau nhiều lần sảy thai rồi vô sinh, thụ tinh ống nghiệm hai lần thất bại, cuối cùng chị Trần Thị Phúc (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng sinh cô con gái đầu lòng khi đã ở tuổi 52. 

Nhìn người phụ nữ trung niên ăn mặc giản dị, bế trên tay một bé gái nhỏ xíu xuất hiện tại buổi tư vấn về vô sinh, hiếm muộn do Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) tổ chức ngày 14/6, nhiều người nhầm bà bế cháu. Thực ra cô bé hơn 5 tháng tuổi đó là “quả ngọt” mà người phụ nữ 52 tuổi mong mỏi suốt hơn 10 năm bị vô sinh mới có được. 

Lấy chồng muộn, chị Phúc mong muốn sớm có con. Tuy nhiên ông trời không chiều lòng người, sau nhiều lần sảy thai thì chị bị vô sinh. Vợ chồng chạy chữa ở nhiều nơi, đông – tây y đều thử mà không có kết quả. Chị cũng 2 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm, một lần xin trứng, chuyển phôi nhưng không có thai. Mang tâm lý tuyệt vọng, nặng nề, chị vẫn ao ước có đứa con của chính mình. 

Người phụ nữ sinh con ở tuổi 52 nhờ thụ tinh ống nghiệm

Bé gái con chị Phúc đã được hơn 5 tháng tuổi. 

Năm 2015, chị đến Bệnh viện Bưu điện và được chỉ định thực hiện IVF/ICSI –  một kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trong đó tinh trùng được tiêm trực tiếp vào bào tương trứng. Lần này chị phải đi xin noãn, cuối cùng cũng có bầu và sinh được một bé gái khỏe mạnh. Cô bé hiện được hơn 5 tháng tuổi, bụ bẫm. 

Chị Phúc là một trong những phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy ở nước ta hiện có 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn, tương đương với hơn một triệu cặp vợ chồng. 

Đáng chú ý, nhiều cặp vợ chồng còn thiếu thông tin, kiến thức về nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Theo đó, một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà 6 tháng (với người dưới 30 tuổi) hoặc 12 tháng (với người trên 30 tuổi) chưa có thai thì được coi là hiếm muộn. Thực tế có đôi sau 2-3 năm mới đi khám, có cặp mới lấy nhau 3-4 tháng chưa thấy có thai đã sợ vô sinh.

Theo bác sĩ Nhã, ngày nay những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Vì thế, quan trọng là các cặp sớm nhận thức được tình trạng hiếm muộn để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công.

Các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn hiệu quả nhất hiện nay gồm: IVF/ICSI- thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, PESA/ICSI- thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn… Tại Bệnh viện Bưu điện, tỷ lệ thành công khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này là 50-60%.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện Bưu điện đã khám và tư vấn cho trên 1.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, thực hiện hỗ trợ sinh sản cho gần 500 đôi. Hiện bệnh viện tặng phiếu tư vấn và khám vô sinh, hiếm muộn miễn phí cho 200 cặp vợ chồng.

Để dự phòng vô sinh hiếm muộn, bác sĩ khuyến cáo chị em nên sinh con trong độ tuổi sinh đẻ (dưới 33 tuổi); chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc hợp lý; giữ vệ sinh tốt; sinh hoạt tình dục an toàn; kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nam giới cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc hợp lý; bỏ các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc; sinh hoạt tình dục an toàn và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

>> Xem thêm:

5 thói quen dễ gây vô sinh hiếm muộn 
Thắc mắc thường gặp về vô sinh, hiếm muộn

Phương Trang

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook