Thứ Năm, 26/11/2015 | 06:00

Câu chuyện về một người phụ nữ tài năng nhưng yểu mệnh, thậm chí những đóng góp to lớn của bà cho nhân loại cũng không được ghi nhận một cách xứng đáng: Rosalind Franklin.

Nếu có người phụ nữ nào không nhận được sự công nhận xứng đáng với những gì mà bà đã từng đóng góp cho nhân loại, thì đó chỉ có thể là Rosalind Franklin.

Nhà hóa học nữ người Anh này là người tiên phong trong việc khám phá cấu trúc của Axit Deoxyribonucleic (hay còn được biết đến dưới cái tên ADN), mang thông tin di truyền mã hóa cho các hoạt động bình thường của tế bào.

Thế nhưng, những người được trao giải Nobel cho việc tìm ra cấu trúc của ADN vào năm 1962 lại là James Watson, Francis Crick, và Maurice Wilkins, chứ không phải là Rosalind Franklin, bởi lẽ bà đã không may qua đời do căn bệnh ung thư vào năm 1958.

Và, dù chuyện Rosalind Franklin bị các đồng sự của mình cướp công là đúng hay sai, thì cũng không thể phủ nhận một điều rằng nhân loại đã từng bỏ qua rất nhiều thành tựu của bà.

Thời niên thiếu của Rosalind Franklin

Rosalind Elsie Franklin chào đời vào ngày 25 tháng 7 năm 1920 tại London. Bà rất may mắn được gia đình cho theo học tại trường nữ sinh St. Paul – một trong số ít các trường nữ thời bấy giờ chú trọng vào sự nghiệp thay vì “tề gia nội trợ”. Tại đây, bà tỏ ra vô cùng có năng khiếu về các môn khoa học và ngôn ngữ.

Người phụ nữ đã thay đổi cả thế giới nhưng chưa từng được công nhận vì điều đó

Rosalind Franklin – người phụ nữ tài năng nhưng yểu mệnh

Năm 18 tuổi, bà trúng tuyển vào học viện nữ sinh Newnham, trực thuộc trường đại học Cambridge, chuyên ngành vật lý – hóa học. Những gì Rosalind Franklin học được tại đây, cũng như sau này, chịu nhiều ảnh hưởng từ những năm tháng thế chiến thứ hai.

Bà tốt nghiệp vào năm 1941, và dành trọn vẹn 1 năm làm việc tại phòng thí nghiệm của R.G.W. Norrish – người đi tiên phong trong lĩnh vực quang hóa học. Bến đỗ sự nghiếp tiếp theo của bà ở tại Hiệp hội nghiên cứu ứng dụng than Anh, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về cấu trúc vi mô của nhiều loại than khác nhau.

Sau khi lấy được tấm bằng Tiến sĩ, Franklin tới phòng thí nghiệm của kỹ sư người Pháp Jacques Mering tại Paris làm việc. Tại đây, bà học được cách xây dựng mô hình của các hợp chất cacbon bằng kỹ thuật sử dụng tinh thể học tia X, và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Điều này trở thành bước đệm vô cùng quan trọng trong việc khám phá ra cấu trúc của ADN của bà sau này.

“Bức ảnh 51”, cùng cấu trúc của ADN

Rosalind Franklin trở về Anh vào năm 1950, với mục tiêu được cộng tác trong phòng thí nghiệm của John Randall – một nhà vât lý sinh học tại học viện King, London.

Ban đầu, công việc mà Randall dự định giao cho bà là tinh thể hóa và dựng mô hình protein. Nhưng Maurice Wilkins, trợ lý của Randall, gợi ý rằng Rosalind nên nghiên cứu về ADN.

Dự định của Wilkins là cộng tác với Rosalind Franklin, nhưng mối quan hệ của hai người nhanh chóng xuống dốc bởi một sự hiểu lầm. Kết quả là, Raymond Gosling trở thành cộng sự của Wilkins. Thông qua việc chụp những tấm hình X quang, họ tìm ra hai hình dạng của ADN, dạng “ướt” với cấu trúc hình thang xoắn, và dạng “khô” với cấu trúc khác hoàn toàn. Rosalind Franklin được giao nhiệm vụ nghiên cứu xem cấu trúc nào mới thực sự là ADN.

Cũng vào thời điểm đó, hai nhà sinh học Francis Crick và James Watson đang cố gắng xây dựng một mô hình lý thuyết của ADN tại phòng thí nghiệm Cavendish thuộc trường Đại học Camridge. Tháng 1 năm 1953, Wilkins cho hai người họ xem một tấm hình X quang của ADN (bức hình đó nay được gọi là “bức ảnh 51”), cùng với tóm tắt bản nghiên cứu chưa được công bố của Rosalind Franklin cho Hội đồng nghiên cứu dược.

Người phụ nữ đã thay đổi cả thế giới nhưng chưa từng được công nhận vì điều đó

Chính bà mới là người có công lớn trong việc tìm ra cấu trúc của ADN

Tháng 4 năm đó, Watson và Crick công bố cấu trúc ADN tại tạp chí Nature, nhưng giữ bí mật chuyện mình đã được cho xem các tài liệu của Rosalind Franklin. Mãi tới sau này, Crick mới thừa nhận rằng Rosalind Franklin, vào thời điểm bấy giờ, đã tiến rất gần tới đích – chỉ một chút nữa thôi là bà đã tìm ra cấu trúc của ADN.

Thực ra, cùng trong số đó của tạp chí Nature, Franklin và Gosling cũng công bố những gì mà họ đã khám phá được. Nhưng cuối cùng, toàn bộ công lao lại thuộc về Watson, Crick, và Wilkins.

Một cuộc đời bất công

Thời gian sau đó, Franklin chuyển qua làm việc tại phòng thí nghiệm của J.D. Bernal tại học viện Birkbeck. Tại đây, bà tập trung nghiên cứu cấu trúc của các loại virus, đặc biệt là virus khảm thuốc là (TMV) và virus bại liệt. Những tấm hình X quang của các loại virus này được Franklin công bố, và được Viện Hoàng gia Anh ghi nhận vào năm 1956.

Thật không may, năm đó, bà được chẩn đoán là đã mắc phải bệnh ung thư buồng trứng. Mặc dù trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật cũng như các phương pháp điều trị khác nhau, nhưng bà cũng chỉ kéo dài được cuộc sống của mình thêm một thời gian ngắn nữa. Rosalind Franklin qua đời vào ngày 16 tháng 4 năm 1958, hưởng thọ 37 tuổi.

Trong cuốn hồi ký “The Double Helix” được James Watson ra mắt vào năm 1968, Rosalind Franklin được miêu tả như “một người phụ nữ thiếu năng lực và nóng nảy”. Rất nhiều người quen biết Rosalind (trong đó có cả Crick và Wilkins) hoàn toàn không đồng tình với chuyện này.

“Nếu như có một người phụ nữ nào bị đối xử vô cùng bất công, thì đó chỉ có thể là Rosalind Franklin. Thậm chí, những đóng góp vĩ đại của bà trong việc phát hiện cấu trúc của ADN còn chẳng được công nhận” – Ava Helen Pauling, vợ của nhà khoa học nổi tiếng Linus Pauling, đã từng chia sẻ như vậy trong một cuộc phỏng vấn với Lee Herzenberg vào năm 1977.

Năm 1975, Anne Sayre xuất bản một cuốn tiểu sử về Rosalind Franklin, với mục đích đòi lại công bằng cho bà. Sau này, còn một cuốn tiểu sử khác được viết bởi Brenda Maddos, kể một câu chuyện giàu sắc thái hơn về cuộc đời Franklin.

Và, mặc dù cuộc đời của Rosalind Franklin vô cùng ngắn ngủi, nhưng những cống hiến to lớn của bà cho nhân loại về ADN, cũng như virus vẫn sẽ còn mãi.

Tham khảo Business Insider

Nguồn: GenK

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook