Chị Trương Thị Hoa Mỹ mang song thai đến 23 tuần thì bác sĩ nghi ngờ 2 bé bị hội chứng truyền máu song thai, khi 31 tuần thai người mẹ đứng trước quyết định “chọn bỏ 1 hay giữ cả 2 con”.
Mang song thai ngay lần đầu cấn bầu ở tuổi 33, chị Hoa Mỹ vật lộn với những cơn ốm nghén. Thai được 23 tuần, siêu âm cho thấy một bé lớn và một bé nhỏ bất thường, bác sĩ nghi ngờ có hiện tượng truyền máu song thai nên phải theo dõi chặt chẽ. Thai 31 tuần tuổi, sức khỏe một trong hai bé trở nên xấu, người mẹ đứng trước khoảnh khắc phải quyết định về mạng sống hai con: “Phải bỏ 1 đứa hay đánh liều giữ cả 2 con để sinh”.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, Phó Khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết nếu người mẹ phải chấm dứt thai kỳ khi mới dưới 28 tuần thì gần như hy vọng cứu hai bé thấp. Tuổi thai trên 34 tuần, khả năng cứu sống cả hai cháu là cao. Giữa hai khả năng này, cả bác sĩ lẫn người nhà phải “cân não” ra quyết định mang tính sống còn với hai em bé.
“Tình trạng một thai nhi đã rất tệ, nếu kéo dài thai kỳ có thể em bé này sẽ tử vong trong bụng mẹ. Còn mổ lấy thai sớm, hai bé đều còn non tháng nên chúng ta đối diện nguy cơ mất cả hai sau khi chào đời”, bác sĩ Vũ phân tích.
Hy vọng vào một phép màu có thể “cứu cả hai con”, chị Hoa Mỹ bày tỏ ý nguyện được chấm dứt thai kỳ dây sớm. Ca sinh mổ ngày 4/3 giúp hai bé gái chào đời lần lượt với cân nặng 1,3 kg và một bé chỉ 900 g tức tương đương bàn tay người lớn. Khi mổ bắt con, bác sĩ còn phát hiện dây rốn của một bé bám vào rìa mép bánh nhau thai.
“Bình thường dây rốn bám ở khoảng giữa bánh nhau. Trường hợp song sinh này dây rốn của em bé nhỏ hơn lại bám vào rìa mép bánh nhau nên hấp thụ dinh dưỡng kém, dẫn đến nhẹ cân hơn”, bác sĩ Vũ nói. Bình thường đối với trường hợp dây rốn thai nhi bám rìa bánh nhau nên kém dinh dưỡng này, các bác sĩ vẫn chỉ định mổ bắt con sớm để tránh nguy cơ tử vong do thai suy.
Cả hai bé được chăm sóc tại Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương.
Cả hai bé được chuyển về Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục giành giật sự sống. Bé gái nặng 900 g bị tật tim bẩm sinh khá nặng với tình trạng hẹp eo động mạch chủ, nếu không mổ sẽ có nguy cơ tử vong. Bệnh nhi sinh non quá nhẹ cân lại suy hô hấp nên các bác sĩ phải tính toán kỹ phương án mổ, phối hợp nhịp nhàng giữa kíp phẫu thuật cũng như gây mê, hồi sức.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh cho biết vượt qua ca mổ cam go ngày 23/3, cháu bé nhỏ tương đương bàn tay bác sĩ trải qua quá trình hồi sức với muôn vàn thách thức. Cháu không dung nạp được sữa, không tăng cân, nhiễm trùng nên các bác sĩ đã nỗ lực hỗ trợ để vượt qua. Ngày 25/4, cháu bé khỏe mạnh xuất viện với cân nặng gần 1,8 kg. Bé gái còn lại sức khỏe tốt hơn nên vài ngày hồi sức sau khi chào đời đã được xuất viện trước.
Bác sĩ tặng hoa và quà chúc mừng 3 mẹ con khỏe mạnh xuất viện ngày 25/4. Ảnh: Lê Phương.
“Hiện cháu nhỏ vẫn ăn một phần qua đường miệng, một phần qua ống thông dạ dày nên về nhà phải được tập cho bú, tái khám định kỳ hàng tuần. Chặng đường phía trước vẫn còn gian nan, đòi hỏi mẹ phải nỗ lực rất lớn, ít nhất là cho đến lúc bé đạt được 2,5 kg”, bác sĩ Tâm nói.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.