Một em bé ở Ấn Độ chào đời với tình trạng hiếm gặp là “hội chứng nàng tiên cá”, chỉ sống được khoảng 10 phút.
Người mẹ 22 tuổi ở Saharanpur, thuộc Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, cho biết bé chào đời tại Bệnh viện Sahi Ram vào ngày 29/4 nhưng không sống được 10 phút do mắc căn bệnh hiếm gặp – hội chứng người cá, trang Sugardaily đưa tin.
Người mẹ cho biết, trong suốt 30 tuần đầu của thai kỳ không phát hiện bất cứ điều gì bất thường. Chỉ đến cuối thai kỳ, kết quả siêu âm cho thấy thận của bé không phát triển. Khi bé được sinh, gia đình và bác sĩ vô cùng ngạc nhiên trước thân hình của bé.
Ảnh: Sugardaily. |
Tiến sĩ Vandana Arya, một bác sĩ phụ khoa tại bệnh viện cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy một trường hợp như thế này trước đây. Em bé có cơ thể giống như người cá, tay có màng giống vây và 2 chân dính chặt như đuôi cá. Thân trên của bé có hoàn toàn các bộ phận chức năng nhưng không phát triển”.
Hội chứng người cá, còn được gọi là “hội chứng Mermaid”, là căn bệnh đe dọa tính mạng khi hai chân được hợp nhất như đuôi cá. Đây là dị dạng bẩm sinh hiếm gặp trên thế giới. Tiến sĩ Arya cho biết, chứng bệnh hiếm gặp khiến các bác sĩ không thể xác định được giới tính của đứa trẻ.
Theo Tiến sĩ Lindsey Fitzharris, ĐH Oxford (Anh), hội chứng này xảy ra khi dây rốn của trẻ không thể hình thành 2 động mạch. Khi đó thân dưới của bào thai không được cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng khiến 2 chân không không thể tách rời.
“Động mạch đơn ‘đánh cắp’ máu và chất dinh dưỡng chuyển lên thành nhau thai. Bị suy dinh dưỡng, thai nhi không phát triển hai chi riêng biệt. Trẻ em mắc hội chứng này trên thế giới rất hiếm, tỷ lệ khoảng 1/100.000 trẻ sơ sinh. Với những cặp sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ này có thể cao gấp 100 lần”, Tiến sĩ Lindsey nói.
Tiến sĩ Vandana cho biết thêm: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như uống quá nhiều thuốc, sự thiếu hụt vitamin, di truyền học hay thậm chí bệnh tiểu đường của mẹ. Phần lớn trẻ mắc hội chứng này tử vong sau vài ngày chào đời do suy thận và bàng quang. Một số trường hợp rất hiếm được ghép thận, nhưng tỷ lệ sống sót rất thấp”.
Đây là trường hợp mắc hội chứng người cá đầu tiên tại Ấn Độ và ca thứ tư trên thế giới.
Lê Nga
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.