Tuần qua, việc hàng trăm công nhân công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) tại thị xã Thuận An, Bình Dương phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau đầu, nôn, rối loạn tiêu hóa, mệt lả… tiếp tục gióng lên hồi chuông về tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Cấp cứu ngộ độc tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, làm cho hàng nghìn người lao động phải nhập viện; riêng năm 2015, xảy ra hơn 30 vụ nghiêm trọng, làm trên 3.000 người nhập viện. Chỉ tính nửa năm 2016, cả nước xảy ra 35 vụ nghiêm trọng, làm 1.855 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong….
Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều, thế nhưng những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng, chứng tỏ khâu quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng vẫn còn rất lỏng lẻo.
Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, qua khảo sát ở nhiều địa phương, một nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm luôn đe dọa từ các bếp ăn tập thể là do bữa ăn cung cấp cho công nhân không đạt yêu cầu, chỉ khoảng 9.000 đồng/bữa/người. Với mức giá như vậy, việc các nhà bếp chọn mua thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc là khó tránh khỏi.
Không những vậy, kết quả chương trình giám sát chủ động, lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền khác nhau, cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm 3-5% (khối lượng đầu vào).
Trên thực tế thường gặp 3 loại nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn: Một là ngộ độc chất histamin có ở trong thức ăn có chứa độc chất như cá ngừ, cá thu, cá nóc, con cóc hoặc do thức ăn gây dị ứng như dứa, lạc; Hai là thức ăn bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn; Ba là ngộ độc do thức ăn bị nhiễm nấm.
Dấu hiệu của ngộ độc thức ăn
Dấu hiệu đầu tiên là cảm giác buồn nôn và nôn vài giờ sau khi ngộ độc. Tiếp theo là đau bụng dữ dội, thậm chí có những cơn co rút ở khu vực bụng. Trong một số trường hợp, ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng kéo dài trên 2, 3 ngày. Bạn cũng có thể thấy có máu ở trong phân.
Cùng với tiêu chảy, người bệnh có các triệu chứng của mất nước gồm cảm thấy rất khát, yếu và khô miệng, tiểu tiện ít. Một triệu chứng phổ biến khác của ngộ độc thực phẩm là chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng. Triệu chứng này cũng có thể kéo dài trong vài giờ.
Cấp cứu người bị ngộ độc
Khi có người bị ngộ độc, việc trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào dạ dày bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, tẩy ruột, ngăn cản sự hấp thu chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày. Cách gây nôn thông thường là ngoáy họng.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể cho uống nước muối (2 thìa canh muối pha vào một cốc nước ấm). Hoặc cho uống dung dịch đồng sunfat (0,5g cho một cốc nước), hoặc dung dịch kẽm sunfat (2g cho một cốc nước)…Sau khi gây nôn cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị theo phác đồ của các bác sĩ.
Thanh Hải
Từ khóa
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.