Thứ Ba, 02/05/2017 | 00:32

Ngư dân gọi nôm na nghề này là “người trần gian làm việc âm phủ”. Lặn xuống dưới đáy biển cũng đồng nghĩa với đối mặt sức ép nước…

Nghề “hái” ra tiền

Nghiệt ngã nghề ‘người trần làm việc âm phủ’: Sinh nghề tử nghiệp

Đối với ngư dân ở vùng biển Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), không có nghề nào “hái” ra tiền nhanh như nghề thợ lặn, nhưng cũng đánh đổi không ít nước mắt, máu, thậm chí bỏ mạng giữa trùng khơi.

Có kinh nghiệm lặn biển hơn 20 năm, ông Phan Văn Mạnh (65 tuổi, thôn 1) kể, nghề lặn ở đây bắt đầu từ năm 1993, khi nguồn hải sản đánh bắt gần bờ cạn kiệt.

Ngư dân không có điều kiện đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ nên mưu sinh bằng nghề mới là lặn biển.

Thợ lặn xã Cẩm Lĩnh ai cũng chịu khó, mỗi ngày ngụp lặn dưới biển từ 6-8 tiếng, sản phẩm thu về có khi cả tạ các loại ốc, sò có giá cao, thương lái thu mua nhanh chóng. Cao điểm có ngày thu về 2-3 triệu đồng.

Nguồn thu nhập của nghề lặn rất cao, họ lặn quanh năm, không chỉ ở vùng gần mà còn đi lặn thuê trên các con tàu ở ngư trường ngoài Bắc trong Nam theo từng mùa hải sản.

Ngư dân lấy nghề lặn mưu sinh chính nuôi sống cả gia đình nên trong làng rất vắng bóng đàn ông.

Mới 28 tuổi nhưng anh Thái Văn Vui (trú thôn 2), đã làm chủ con tàu với 90 CV, giá trị cả tỉ đồng, trang bị đầy đủ thiết bị để phục vụ cho thợ lặn.

Anh Vui kể, bỏ học từ năm lớp 8 để theo cha làm nghề lặn thuê. Với sức khỏe cường tráng, 13 năm lặn biển cũng dành được ít vốn làm chủ tàu, thuê người làm.

Nghiệt ngã nghề ‘người trần làm việc âm phủ’: Sinh nghề tử nghiệp

Rất nhiều trường hợp là thợ lặn đang chịu cảnh liệt giường như anh Doãn

Anh kể, tháng 10 năm ngoái, thợ lặn trong thôn trúng đậm sò chíp chíp, đúng lúc được giá 220.000 đồng/kg. Có ngày một thợ lặn bắt được cả tạ sò, trừ chi phí thu về 8-9 triệu đồng.

Anh Vui nói thêm, đối với ngư dân ở đây không có nghề nào “hái” ra tiền nhanh như nghề đi lặn, bởi đồ nghề đã có chủ tàu, các thợ lặn chỉ bỏ sức làm ăn sản phẩm ăn chia tỉ lệ, thợ 6, chủ 4. Ai có sức khỏe hơn thì lặn quanh năm kiếm bộn tiền về cho gia đình.

Đánh đổi cả mạng sống

Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch xã Cẩm Lĩnh chia sẻ, nghề này đưa lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã. Mức thu nhập bình quân một thợ lặn từ 90- 100 triệu đồng/năm. Đối với một xã bãi ngang nghèo khó, mức thế là rất cao.

Tuy nhiên, nghề lặn ẩn chứa nhiều rủi ro và khắc nghiệt mà nhiều ngư dân đã phải hứng chịu. Theo số liệu thống kê chưa chính thức, rất nhiều người chết, hoặc tàn phế suốt đời do bị nước ép khi lặn.

Ngư dân ở đây gọi nôm na nghề này là “người trần gian làm việc âm phủ”. Lặn xuống dưới đáy biển cũng đồng nghĩa với đối mặt sức ép nước, rét buốt và những rủi ro không lường trước của biển cả.

Nghiệt ngã nghề ‘người trần làm việc âm phủ’: Sinh nghề tử nghiệp

Chị Hoàng rơi nước mắt khi kể về người chồng đã bỏ mạng khi lặn biển

Mới 33 tuổi chị Trần Thị Hoàng (trú thôn 1), đã phải chịu cảnh “vọng phu”. Chị tâm sự, năm 2009, chồng chị đi lặn thuê, không may bị ép nước mà chết, bỏ lại vợ và 3 con, khi đó đứa út mới 2 tháng tuổi.

Chồng chị, anh Phan Văn Tùng mất trong lúc lặn sò ở Phan Thiết, khi đó mới 30 tuổi. Mặc dù có kinh nghiệm lặn biển 15 năm, được đánh giá là rất giỏi nhưng rồi cũng không tránh được tai họa từ nghề .

May mắn không bỏ mạng dưới lòng biển sâu nhưng suốt cuộc đời chịu cảnh tàn phế, anh Nguyễn Xuân Doãn (SN 1971, trú thôn 2) đã 21 năm nay gắn bó với chiếc giường.

Năm 1997 mỗi ngày anh đi lặn kiếm được chỉ vàng (khoảng 500.000 đồng). Do kiếm tiền quá dễ nên anh làm việc quá sức. Một lần đang lặn sò, anh Doãn bị nước ép, may mắn sống nhưng lại lâm cảnh tàn phế, dù đã tốn rất nhiều tiền điều trị.

Nằm vĩnh viễn trên giường nhưng điều anh lo nhất là sự an nguy của cậu con trai Nguyễn Xuân Hùng (SN 1997). Hiện Hùng cũng đang theo nghiệp lặn và ngày đêm đối mặt với bất trắc của lòng biển sâu, khi phải gánh vác việc kiếm tiền nuôi gia đình, lo thuốc thang cho cha.

Ở xã bãi ngang này, những hoàn cảnh như gia đình anh Doãn, chị Hoàng không ít.

Họ sinh ra từ biển, đi biển từ thuở bé, dẫu biết rằng biển cả ẩn họa nhiều hiểm nguy, nhưng với họ, bám biển không chỉ là duy trì nghề truyền thống của cha ông, mà còn là sứ mệnh của những cư dân ở biển.

Video: Rồng biển ruby đã biến mất một cách bí ẩn 100 năm trước đột nhiên xuất hiện

Theo Vietnamnet

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook