Và ngược lại, nếu cảm thấy thỏa mãn với vài người bạn ít ỏi xung quanh thì rất có thể bạn là một người thông minh.
Đó chính là kết luận đầy thú vị từ một nghiên cứu mới công bố vào tháng trước của Tập chí Tâm lý học Anh quốc. Trong đó, các nhà tâm lý học tiến hóa Satoshi Kanazawa của Trường Kinh tế London và Norman Li đến từ Đại học Quản lý Singapore tập trung giải đáp câu hỏi: Điều gì khiến một cuộc sống trở nên “đáng sống”? Qua nhiều nghiên cứu liên tục trong nhiều năm, câu trả lời đến nay đã được hé lộ.
Kanazawa và Li đặt ra giả thuyết, chính lối sống săn bắn hái lượm của tổ tiên thời xưa đã trở thành nền tảng cho những điều đang khiến chúng ta hạnh phúc: “Những điều kiện có khả năng làm thỏa mãn cuộc sống của tổ tiên chúng ta vẫn có thể làm thế hệ ngày nay hài lòng”. Họ còn nêu ra một “giả thuyết hạnh phúc” nhằm giải thích cho 2 phát hiện mới nữa từ một cuộc khảo sát quốc gia với 15.000 người độ tuổi 18-28 tham gia.
Ban đầu, họ thấy rằng những người sống trong môi trường đông đúc hơn thường có xu hướng ít hài lòng với cuộc sống. Những người này có chung suy nghĩ: “Càng có nhiều người sống xung quanh, tôi càng thấy không hạnh phúc”. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người thường xuyên tiếp xúc với những người bạn thân thiết sẽ có tỷ lệ hạnh phúc cao hơn.
Tuy nhiên vẫn có một ngoại lệ đáng chú ý. Đối với những người được cho là có trí thông minh “nhỉnh” hơn số đông, mối tương quan ấy thường không bền chặt, thậm chí ngược lại hoàn toàn. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận: Các cá nhân có trí thông minh hơn người thường không cảm thấy thoải mái với việc phải thường xuyên giao tiếp với bạn bè. Nghĩa là, người thông minh không thấy hạnh phúc hơn khi phải dành nhiều thời gian với bạn bè.
Điều này dường như đi ngược lại quan niệm truyền thống của xã hội loài người, tức càng có nhiều mối quan hệ thân thiết thì cuộc sống sẽ càng hạnh phúc. Vậy kết luận ngược đời kia dựa trên cơ sở nào?
Chuyên gia kinh tế và hạnh phúc Carol Graham tại Viện nghiên cứu Brookings Institution bày tỏ suy nghĩ về quan điểm mới lạ này: “Nghiên cứu này gợi ra một thực tế không hoàn toàn mới, đó là những người có trí thông minh nổi bật và có khả năng tận dụng nó thường ít hứng thú với việc kết nối xã hội, bởi họ muốn dành thời gian cho những mục tiêu dài hơi và quan trọng hơn”. Điều này có nghĩa sự hài lòng với cuộc sống của họ sẽ giảm sút nếu các mối quan hệ làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc theo đuổi những mục tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, Kanazawa và Li lại có lời giải thích khác. Theo họ, căn nguyên đến từ tập tính săn bắt hái lượm của tổ tiên con người xa xưa trên những thảo nguyên bao la, khi dân số mới chỉ lác đác vài người trên hàng ngàn cây số. Khi đó, việc giữ liên lạc với những người thân cận chỉ mang ý nghĩa báo hiệu sự tồn tại và duy trì nòi giống.
Nhìn lại chúng ta ngày nay, khi con người đang dần trở nên chóng mặt với tốc độ phát triển của công nghệ. Trước thực tế đó, tư duy sinh học của đại đa số đã thật sự bắt kịp nhịp thay đổi ấy chưa? Sự thật là chưa. Chính vì thế, đôi khi sẽ có một vài sự “lệch pha” của vài cá nhân trong cả một tập thể hành xử giống nhau.
Mặt khác, cũng theo giả thuyết này, bản chất loài người chỉ thích hợp và sẽ đạt mức thỏa mãn tối đa với lối sống du cư trong một nhóm khoảng 150 người. Nếu điều này là đúng, có lẽ cuộc sống hiện tại không phải lựa chọn lý tưởng, nơi các điều kiện thuận lợi để tạo nên hạnh phúc hầu như bị thu hẹp. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho rằng người thông minh thường có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện sống, và do đó họ ít bị ràng buộc vào thiên hướng tiến hóa của nhân loại. Nói một cách dễ hiểu, họ là những người cần ít sự tương tác để sống hạnh phúc.
Tham khảo Independent
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.