Thứ Sáu, 05/01/2018 | 02:48

Bài văn chỉ dài một trang giấy nhưng đã nêu lên sự vất vả của người mẹ trong ngày Tết khiến cho giáo viên đọc xong cũng phải suy ngẫm và hạ bút cho học sinh này điểm 9.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về bài kiểm tra Ngữ văn của một học sinh cấp hai. Đề bài yêu cầu, phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết.

Ngắn gọn nhưng ấm lòng, đọc xong ai cũng mong Tết sớm, nhà văn Trang Hạ nói ‘tôi chấm sẽ cho 10 điểm’

Bài làm văn gây chú ý vì cách hành văn của cô/cậu học trò này không thua kém gì người lớn. (Ảnh: MXH)

Nguyên văn bài làm của học sinh như sau:

“Chắc hẳn ai cũng thích Tết. Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi.

Lúc trước, em rất thích Tết, nhưng vì Tết mà mẹ em mệt thì em không thích nữa. Thịt kho hột vịt em rất thích, nhưng khi em biết mẹ làm mệt thì em không thích nữa. Gia đình em không còn cười nhiều vì mẹ em quá bận, lại hay nổi giận khi ba con em không làm mọi thứ như mẹ muốn. Ba em cũng bị mẹ la. Mẹ nói đã mệt mà còn bị phá. Em với ba sợ lắm. Em không muốn nhìn mẹ xanh xao, ốm đau, lúc nào cũng cầm cây chổi, cây lau nhà, cầm cái chảo và lúc nào cũng lăn vào bếp làm đồ ăn đón khách, mẹ đã quá mệt rồi. Mỗi lần mẹ nhăn nhó là thêm một kẻ thù nhan sắc xuất hiện đó.

Em thích thấy mẹ em cười. Mẹ cười rất đẹp. Ba hay nói với mẹ: “Nhìn mẹ cười là thấy Tết trọn vẹn rồi!” nhưng mẹ chẳng chịu, lại còn la ba! Mẹ ơi! Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi”.

Với bài kiểm tra này, giáo viên đã chấm điểm 9 cùng với lời nhận xét: “Bài viết cảm xúc chân thành, con hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Bài văn của con làm cô suy nghĩ nhiều! Cảm ơn con!”

Chia sẻ với pv báo Đời sống & Pháp lý, nhà văn Trang Hạ, một trong những người chia sẻ bức ảnh về bài văn này trên mạng xã hội cũng tâm sự, chính chị cũng chưa biết nguồn gốc của bài văn này ở đâu, chỉ thấy trên mạng xã hội và chia sẻ lại. Không ngờ, số lượng người tiếp cận, bày tỏ cảm xúc và bình luận lại nhiều đến vậy.

“Thời này hiếm có một bài văn học trò nào không bị sai chính tả, câu văn có ý, ngắt đoạn đúng và đầy tình cảm như thế này. Những suy nghĩ non nớt của em bắt đầu từ quan sát bằng mắt, nhưng viết ra lại bằng trái tim. Nhìn thấy vất vả của mẹ mỗi dịp Tết, nhận ra đằng sau gánh nặng công việc ngày Tết của mẹ là một gánh nặng vô hình lên ngoại hình, nhan sắc, tinh thần của mẹ.

Nếu là cô giáo, tôi sẽ chấm bài văn này cho em 10 điểm”, nhà văn Trang Hạ bày tỏ.

Ngắn gọn nhưng ấm lòng, đọc xong ai cũng mong Tết sớm, nhà văn Trang Hạ nói ‘tôi chấm sẽ cho 10 điểm’

Mâm cơm đón khách ngày Tết có thể trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều người phụ nữ. (Ảnh: Đình Tuệ)

Hiện tại, đoạn chia sẻ này của nữ nhà văn đã thu hút gần 7.000 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 1.600 lượt chia sẻ với hàng nghìn bình luận phía dưới. Nhiều ý kiến bình luận bày tỏ sự đồng tình vì học sinh này đã “nói thay tiếng lòng” và nêu bật được sự vất vả, hy sinh của những người phụ nữ trong gia đình vào mỗi dịp Tết.

Độc giả Nguyễn Hương bình luận: “Đọc xong mà nước mắt đã rưng rưng, trẻ đã nói lên được tiếng lòng của những người mẹ khi vất vả làm công việc ngày Tết. Tình cảm chân thực và thật đáng yêu khi có đứa con thấu hiểu cho mẹ. Mong sao mai kia con mình lớn cũng nghĩ thương mẹ như thế này”.

Còn độc giả Xuân Tú thì chia sẻ: “Thế nhưng cũng phải có Tết chứ, trẻ em rất thích Tết như chúng ta ngày xưa cơ mà. Đừng để tư tưởng người lớn ảnh hưởng tới tâm hồn non nớt của trẻ thơ, nét hồn nhiên ở trẻ thơ rất đáng quý. Chẳng có trẻ em nào lại không thích Tết cả”.

Không chỉ có vậy, nhiều người dùng mạng còn chủ động tag tên người thân là những ông chồng vào bài chia sẻ này để mong được thấu hiểu và đồng cảm.

Cắt tỉa dưa chuột trang trí cực kỳ đơn giản và đẹp mắt!

Theo Đời sống & Pháp lý

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook