Những ngày vừa qua, nhiệt độ ngoài trời trên khắp các tỉnh thành cả nước lên tới gần 40 độ C. Mặc dù đã có dấu hiệu giảm nhưng cũng chỉ mang tính cục bộ. Người ta vẫn mong đợi mưa chuyển mùa.
Nắng nóng gay gắt khiến nhiều người ngại ra đường.
Do nắng nóng dữ dội và kéo dài, số ca cấp cứu về hô hấp, tim mạch ở người già và trẻ em tăng cao.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, giảng viên Khoa Khí tượng thủy văn (Đại học Tài nguyên môi trường), tia cực tím luôn có trong ánh nắng Mặt trời nhưng mức độ sẽ khác nhau phụ thuộc vào cường độ bức xạ Mặt trời. Trong tháng 4 và tháng 5, cường độ bức xạ Mặt trời đạt đỉnh điểm ở các tỉnh Nam Bộ, dẫn đến tia cực tím có trong ánh nắng Mặt trời cũng ở mức nguy hiểm. Nếu tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím có cường độ cao người dân có nguy cơ bị các tổn thương về da, mắt, thậm chí bị ung thư da hay mắt.
“Sau ngày 15/5 vẫn chưa vào mùa mưa, do đó vẫn tiếp tục nắng nóng, cường độ bức xạ vẫn còn mạnh nên tia cực tím vẫn ở mức nguy hiểm, tức là từ mức 10 đến 12 (theo hệ thống thang đo của Mỹ, tia cực tím ở mức 13 là cao nhất) và thời điểm cao nhất trong ngày là sau 10 giờ cho đến 13 -14 giờ,” bà Lan nhận định thêm. Với mức độ nắng nóng như vậy, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng Khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, dưới tác động của nắng nóng, người già, trẻ em dễ bị bệnh do sức đề kháng yếu. Còn người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp có nguy cơ nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đặc biệt, tia cực tím có trong ánh nắng Mặt Trời với mức độ cao có thể làm thay đổi các tế bào và có thể gây ra ung thư da, hoặc tiền ung thư da. Không chỉ thế, đối với mắt nếu tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng Mặt trời sẽ dễ bị giảm thị lực hay bỏng giác mạc và có thể bị mù mắt.
Thời tiết tại miền Nam nắng nóng bất thường khiến lượng người nhập viện tăng nhanh. Tại một số bệnh viện nhi tại TPHCM, số trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp và tiêu chảy đang gia tăng mạnh. Cụ thể số lượng bệnh nhi tới phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Nhi đồng 1 vào những những ngày tháng 4 đạt con số trung bình khoảng 6.000 trẻ/ngày và con số này chưa giảm xuống trong thời gian tới.
Nắng nóng chưa có dấu hiệu giảm trong những ngày tới, bác sĩ Lê Ngọc Diệp khuyến cáo từ 7-8 giờ ở TPHCM có nắng nóng do đó ngay từ thời điểm này người dân cần có biện pháp bảo vệ mặt và da. Và trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 15 giờ là đỉnh điểm tác động của tia cực tím, người dân nên hạn chế đi ra ngoài. Nếu phải đi ra ngoài đường cần có những biện pháp che chắn cơ thể như đội nón rộng vành, đeo kính mát, mặc áo dài tay, khẩu trang. Bên cạnh đó, người dân cần uống nhiều nước nhằm tránh bị suy kiệt cơ thể và giảm ảnh hưởng đến những bệnh lý khác như tim mạch, huyết áp.
P.Vinh
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.