Thứ Hai, 10/10/2016 | 10:23

Từ 9 đến 11/10, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 15, thu hút khoảng 3.000 đại biểu và có hơn 300 báo cáo viên là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Ngoài ra, Đại hội còn có sự tham gia của hơn 40 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành tim mạch đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Nâng hiểu biết về bệnh tim mạch

Phòng ngừa để không bị bệnh tim mạch là biện pháp tốt nhất và rẻ nhất.

Báo động về bệnh tim mạch

Theo GSTS Nguyễn Lân Việt- Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam: Chủ đề của Đại hội năm nay là “Thu hẹp mọi khoảng cách”, để nói tới sứ mệnh của Hội Tim mạch Việt Nam với tất cả nỗ lực trong việc thu hẹp tiến tới xóa bỏ mọi khoảng cách về kiến thức, trình độ giữa trong nước và quốc tế, giữa các tuyến trong nước và cũng là xóa bỏ khoảng cách về cơ hội được chăm sóc và điều trị các bệnh tim mạch trong cộng đồng.

Bởi hiện nay, theo GSTS Nguyễn Lân Việt, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở các nước đã phát triển, đã được ngăn chặn với xu hướng giảm từ vài thập kỷ qua (vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất do tỷ lệ chung của bệnh còn lớn). Nhưng trái ngược với xu thể trên, tỷ lệ tử vong do bệnh bệnh lý tim mạch lại ngày một gia tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể hơn những nguy cơ đang đối mặt của người Việt, GSTS Nguyễn Lân Việt cho biết: Năm 2000 chúng ta có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, nhưng đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn đã tăng lên là 25,4%. Năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp ở mức báo động là 46%…

Tương tự, PGSTS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam nhận định, có thể nói hiện cứ 4 người lớn ở Việt Nam thì có ít nhất từ 1 đến 2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kể cả người béo hay người gầy.

Chủ động để phòng tránh

Trao đổi về các biện pháp để giảm thiểu những nguy cơ phải đối mặt với bệnh tim mạch, GSTS Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Bệnh tim mạch có thể chủ động phòng ngừa tích cực được. Bài học của các nước phát triển cho thấy, chúng ta có thể chủ động ngăn ngừa bệnh tim mạch bằng cách tác động tới các yếu tố nguy cơ cũng như điều trị tích cực bệnh và phòng ngừa thứ phát.

Ví dụ đơn giản, chỉ cần giảm được 5 mmHg huyết áp tâm thu có thể giảm được 14% tử vong do đột quỵ, giảm 9% tử vong do bệnh động mạch vành chưa kể các lợi ích tới thận, suy tim và lợi ích tích lũy khác cộng dồn.

Có những biện pháp tưởng như đơn giản nhưng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch, ví dụ tập thể dục đều hàng ngày làm giảm 4,9 mmHg huyết áp tâm thu; giảm lượng muối ăn (tính theo natri ăn vào) dưới 1800 mg/ngày giúp làm giảm khoảng 5,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân tăng huyết áp; chế độ ăn cho người tăng huyết áp (DASH) giúp làm giảm gần 10 mmHg huyết áp tâm thu ở đối tượng này…

Bên cạnh đó, các chuyên gia đầu ngành về tim mạch tại Đại hội cũng chỉ ra rằng: Nhiều tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tốt nhất là phòng ngừa để không bị bệnh tim mạch, đây là biện pháp hiệu quả nhất và rẻ nhất.

Nếu Việt Nam chúng ta có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế về tim mạch có chuyên môn kỹ thuật cao, thừa hưởng các tiến bộ của khoa học công nghệ và tri thức y học ngày một tiến bộ, cộng với các hiểu biết ngày một sâu sắc hơn về bệnh lý, phương thức điều trị với thuốc và các trang thiết bị ngày một hiện đại và hiệu quả hơn… thì đa số người dân chẳng may mắc bệnh tim mạch cũng sẽ được cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Vấn đề đặt ra là, để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ này, đòi hỏi các thầy thuốc và nhân viên y tế phải cập nhật liên tục và nắm bắt, chủ động với các kiến thức cũng như kỹ thuật mới liên tục phát triển.

Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 15 chính là cơ hội để các chuyên gia y tế, bác sĩ trao đổi, cập nhật và đào tạo những kiến thức chuyên môn mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý tim mạch để nâng cao năng lực cho các bác sỹ, kỹ thuật viên và điều dưỡng trên khắp cả nước.

Đại hội Tim mạch Toàn quốc lần thứ 15 thu hút hơn 600 bài báo cáo khoa học đa dạng, tập trung vào các chuyên đề lớn giao thoa giữa các chuyên khoa sâu của tim mạch như cấp cứu tim mạch, phẫu thuật tim mạch, tim mạch nhi, tim mạch can thiệp, rối loạn nhịp, chẩn đoán hình ảnh trong tim mạch…, cũng như giao thoa giữa tim mạch học và các chuyên ngành khác như hồi sức cấp cứu, nội tiết, thận tiết niệu, ung thư, lão khoa, sản phụ khoa, tiêu hoá, thần kinh…

Thủy Anh

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook