Thứ Bảy, 07/03/2020 | 15:08

Những người cố ý làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải chịu mức hình phạt như thế nào.

Tại buổi làm việc chiều ngày 02/03, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia, cho biết từ ngày 13/2 đến 12 giờ ngày 2/3, không ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 mới tại Việt Nam; tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 là 16 và đã được điều trị khỏi 16/16 ca; đã loại trừ 1.593 trường hợp nghi ngờ, hiện đang theo dõi, cách ly 115 trường hợp nghi ngờ khác. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 10.089 người, trong đó có 156 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 4.810 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.123 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ngày tại buổi làm việc ngày hôm đó Thủ tưởng đã cương quyết đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành trong cả nước cần bám sát tinh thần: Không lơ là, sợ hãi; không chần chừ mà cần quyết liệt và đặc biệt không được chủ quan. Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu “không phân biệt đối xử” nhưng kiên quyết cách ly người đi qua vùng có dịch vào Việt Nam để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thủ tướng nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lan tới 67 quốc gia, làm hơn 3000 người thiệt mạng, nhiều nước có tỷ lệ bệnh nhân tử vong tăng nhanh. Do đó, mặc dù đã có những tiến bộ đáng mừng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Và nhận định ấy đã đúng với trường hợp của bệnh nhân N. H. N, 26 tuổi, à quản lý khách sạn, có địa chỉ thường trú tại 125 phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, ngày 15/2, bệnh nhân này xuất cảnh bay sang London (Anh), ngày 18/2 bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Italy) du lịch. Tại thời điểm này, tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát. Ngày 20/2 quay trở về Anh. Ngày 25/2, bệnh nhân sang Paris, Pháp du lịch 1 ngày.

Ngày 29/2, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám.

Đến ngày 1/3, bệnh nhân bị thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Sau đó bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam trên chuyến bay có số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3.

Do bệnh nhân lúc này không sốt, không khai báo tình trạng sức khỏe của mình nên đã được nhập cảnh. Bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.

Kể từ khi về nước, bệnh nhân biết mình bị bệnh nên đã chủ động tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, không đi đâu ra khỏi nhà, chủ động đeo khẩu trang kể cả khi ở trong nhà.

Bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ ngày 2/3. Ngày 5/3 bệnh nhân xuất hiện sốt liên tục (38 độ C) kèm theo ho nhiều, có đờm, mệt mỏi. Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, Ba Đình, được chẩn đoán viêm phổi (phim chụp X-Quang có hình ảnh đám mờ ở đáy phổi phải). Do có tiền sử đi từ nước ngoài về, nên bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để theo đõi điều trị.

Lúc 18h ngày 5/3, bệnh nhân nhập viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, đang được cách ly, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại phòng áp lực âm của bệnh viện. Đây là trường hợp nhiễm Civid-19 đầu tiên tại Hà Nội và đã làm nhân dân thủ đô mất ngủ. Ngay khi thông tin ca bệnh này được xác định hoàng loạt các biện pháp mạnh mẽ đã được chính quyền thực hiện như:

– Lập sơ đồ khoanh vùng khu vực có bệnh nhân, lập chốt tại 2 đầu khu phố Trúc Bạch, đóng cửa các hàng quán tại khu vực.

– Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cử 3 đội đáp ứng nhanh phối hợp với đội đáp ứng nhanh của Trung tâm Y tế quận Ba Đình và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần tại khu vực nhà bệnh nhân đang sinh sống; tại Bệnh viện Hồng Ngọc (55 Yên Ninh) nơi bệnh nhân đến khám ban đầu; tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 và hồi cứu quá trình nhập cảnh tại sân bay Nội Bài của bệnh nhân. Theo đó, đã làm rõ những thông tin sau:

+ Chuyến bay VN0054 có tổng cộng 201 hành khách và 4 phi công và 12 tiếp viên. Hiện Vietnam Airlines đang phối hợp để rà soát, kiểm soát.

+ Tại nhà riêng của bệnh nhân: có 8 người tiếp xúc gần là bố và bác bệnh nhân, 5 người tạp vụ và 1 lái xe riêng. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho.

+ Tại Bệnh viện Hồng Ngọc: Có 17 người tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho. Đã được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

+ Ông Ng. Đ. T. (ở Phù lưu, Phù Ninh, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) là bố đẻ của chị Ng.H.Nh (SN 1993, ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội) cùng lái xe riêng là ông V.Ng.S. cũng đã được đưa vào cách ly theo qui trình y tế tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 1.

+ UBND xã Phù Ninh cũng đã phát thông báo trên hệ thống truyền thanh xã về trường hợp trên để người dân địa phương nắm thông tin và chủ động công tác phòng chống dịch Covid-19. Những ai tiếp xúc với ông T. trong những ngày gần đây cần phải chủ động cách ly và thông báo bằng điện thoại cho Chủ tịch UBND xã cũng như Trưởng Trạm Y tế xã để có biện pháp xử trí phù hợp.

+ Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân và khu vực lân cận, bệnh viện Hồng Ngọc và nhà những người tiếp xúc gần.

+ Toàn bộ những người tiếp xúc gần đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly tập trung và lấy mẫu xét.

+ Còn lại những người tiếp xúc gần với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân được thống kê lập danh sách và yêu cầu thực hiện cách ly y tế tại nơi ở theo quy định.

+ Đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc các cơ quan ngoại giao của Anh, Pháp để thông tin về lịch trình, nơi ở để họ có biện pháp kiểm soát.

Hiện, Các Đại sứ quán của Việt Nam tại Italy, Pháp và Anh đang tích cực làm rõ các thông tin về hoạt động của bệnh nhân này tại các nước liên quan.

Luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật TNHH NXS (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Chính phủ, Bộ y tế thời gian vừa qua đã liên tục đưa ra các khuyến nghị yêu cầu các cá nhân có nghi ngờ nhiễm bệnh, đi đến từ vùng dịch phải chủ động cách ly y tế.

Do vậy người nào khi đi đến từ vùng có dịch, có biểu hiện nhiễm bệnh mà lại không chủ động đến nơi cách ly, không thăm khám y tế để kiểm tra phát hiện mà dẫn tới tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng, dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có dấu hiệu phạm tội theo điều 240 Bộ luật hình sự: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

Mọi người cần nâng cao ý thức cộng đồng, hợp tác xã hội để góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ cần một hành động sai trái của một cá nhân có thể khiến dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội.”

Yhocvn.net (Theo tuoitre)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook