Hiện bệnh tay chân miệng (TCM) đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm, mặc dù từ đầu năm tới nay giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng số ca mắc vẫn ghi nhận trên cả 61 tỉnh, thành với những diễn biến khá phức tạp.
Ảnh minh họa.
Phát hiện sớm để can thiệp kịp thời
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mặc dù số ca mắc bệnh TCM tích lũy trong cả nước từ đầu năm 2016 tới nay giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng số ca mắc vẫn ghi nhận trên 61 tỉnh, thành phố, nhiều nhất vẫn là ở TPHCM và Hà Nội.
TCM là bệnh lây theo đường tiêu hoá mà mầm bệnh ở trong nước bọt, nốt tổn thương trên da và phân của trẻ bệnh, vì thế trẻ ở trường mầm non có nguy cơ lây truyền rất cao, nhất là khi bùng phát dịch.
Khi trẻ bệnh, phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn. Nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hàng ngày, với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối. Về dinh dưỡng, cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin và tăng sức đề kháng cho trẻ. |
Hầu hết các loại dịch bệnh xảy ra vào những mùa nhất định nhưng đặc thù của bệnh TCM rải rác quanh năm, nghĩa là không có chu kỳ nhất định. Ở các tỉnh phía Nam nước ta, bệnh có xu hướng tăng cao từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 – 12 hàng năm.
Theo các bác sĩ, biểu hiện ban đầu của bệnh TCM là trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn.
Trẻ nhỏ hơn thì thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi…Ngoài có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Đặc biệt nếu trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì khả năng cao chính là biểu hiện của biến chứng TCM, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Nếu để trễ từ 6 đến 12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Theo các bác sĩ thì phát hiện bệnh sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời thì trẻ dù có biến chứng nặng cũng có thể cứu được. Và điều may mắn nhất đến nay là khi được cứu, trẻ bị tay chân miệng không có di chứng nặng nề nào cho sự phát triển về sau.
Phòng bệnh
Điều đáng lo ngại là đến nay bệnh TCM vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh vẫn chủ yếu là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây:
– Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
– Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
– Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
– Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
– Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác; đồng thời, đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Theo các chuyên gia y tế, tất cả những người chưa từng bị bệnh TCM đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai bị nhiễm bệnh cũng xuất hiện bệnh. Bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn. Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.
Nhiều người vẫn thắc mắc không biết người lớn có mắc bệnh tay – chân – miệng không, theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên Khoa Nhi, đây là bệnh truyền nhiễm do virus đường tiêu hóa, do đó bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Với bệnh này, cần chú trọng bàn tay là đường lây truyền bệnh lớn nhất của trẻ nhỏ. Hơn 99% bệnh xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do trẻ có hệ miễn dịch non kém. Về cơ bản đây là bệnh lành tính, diễn biến trong vòng 7 – 10 ngày thì các triệu chứng sẽ hết. Tất nhiên là nếu ở thể nặng thì bệnh có thể kéo dài rất lâu và gây ra một số biến chứng như: Viêm não, suy tim, phù phổi cấp… |
Giang Hương
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.