Từ ngày 17-23/7, Hà Nội ghi nhận 1.400 ca sốt xuất huyết, hai người tử vong do kèm bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hai bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong trong tuần qua tại Hà Nội đều là nam giới được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng trên nền tiểu đường, tăng huyết áp. Trong đó một người bị xuất huyết não, người kia biến chứng viêm phổi kèm sốc nhiễm khuẩn.
Như vậy từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 7.000 ca sốt xuất huyết, 3 người tử vong, gần 1.000 ổ dịch. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân hiện tăng 6-7 lần. Dịch bệnh tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình và huyện Thanh Trì.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng cho biết, hiện số ca sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu tại phía Nam nơi dịch lưu hành quanh năm, chiếm hơn 64%, sau đó là miền Trung. Khu vực miền Bắc có tỷ lệ bệnh nhân thấp hơn, khoảng 12%, tuy nhiên gần đây có sự gia tăng số ca bệnh tại Hà Nội.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến tỉnh, cuối tập trung cứu chữa các ca nặng, giảm tối đa tử vong. Ảnh bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: P.T.
Nguyên nhân của sự gia tăng dịch sốt xuất huyết là do mùa mưa đến sớm tại phía Nam và mùa hè đến sớm tại phía Bắc. Nhiệt độ trung bình ở hầu hết khu vực cao hơn những năm trước dẫn đến véctơ truyền bệnh là muỗi phát triển mạnh. Đồng thời, nguyên nhân còn do tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm, xử lý phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Để giảm tối đa số ca tử vong, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện tùy tình hình thực tế xây dựng quy trình tiếp nhận, phân loại điều trị bệnh nhân. Người bệnh nghi mắc sốt xuất huyết phải được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa khám chữa bệnh truyền nhiễm. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốt xuất huyết nặng phải được chuyển đến khám, điều trị tại chuyên khoa truyền nhiễm. Các trường hợp chuyển viện, viện tuyến dưới phải thảo luận với tuyến trên để có xử trí thích hợp trước khi chuyển viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất quan trọng để phòng chống dịch:
– Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
– Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.