Thứ Hai, 04/04/2016 | 02:28

Nếu bạn đặt chân tới biên giới Rwanda và bỗng dưng bị lục soát đồ đạc, khoan lo sợ.

Có thể bạn chẳng mang theo vũ khí, cũng không phải ma túy. Vậy đồ vật vi phạm là thứ gì? Có khả năng chính là túi nylon đựng đồ của bạn.

Có thể bạn chưa biết, nhưng túi polythene không phân hủy là bất hợp pháp tại Rwanda. Năm 2008, trong khi toàn bộ thế giới còn chẳng mảy may nghĩ đến chuyện đánh thuế vào những túi nylon sử dụng một lần, thì quốc gia nhỏ bé tại Đông Phi đã quyết định cấm chúng hoàn toàn.

Tại Sân bay Quốc tế Kigali, có một biển báo nhắc nhở hành khách rằng túi nylon sẽ bị tịch thu. Ngay cả nylon bọc hành lý cũng sẽ được nhân viên của Cơ quan Quản lý Môi Trường Rwanda xử lý. Xuyên suốt đất nước này, những người kinh doanh đã phải thay thế toàn bộ túi nylon bằng túi giấy.

Lệnh cấm này là một nước đi cứng rắn. Và nó đã đem lại thành quả. Khi đặt chân tới Rwanda, điều ấn tượng đầu tiên đến với bạn có lẽ chính là sự sạch sẽ. Nhất là khi bạn vừa di chuyển từ những quốc gia láng giềng. Tại đây, bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy những ngọn núi rác thường gắn liền với những quốc gia Châu Phi khác. Chẳng hề có túi nylon bay phất phơ trong gió hay mắc trên những cành cây.

Một quốc gia nghèo đói tại châu Phi đã dũng cảm nói KHÔNG với túi nylon

Không hề có túi nylon trên đường phố.

Tại Kigali, nó còn rõ rệt hơn nữa. Với những quảng trường xanh mướt và những đại lộ rộng lớn, thủ đô của Rwanda là một trong những thành phố đẹp nhất tại Châu Phi. Và nó thực sự rất thuần khiết. Đủ để dạy cho những thành phố lớn tại phương tây bụi bặm – cho dù được yêu quý – như New York hay London một bài học. Và lệnh cấm túi nylon mới chỉ là bước khởi đầu cho Rwanda. Nó đều là một phần của kế hoạch Tầm nhìn 2020 để biến quốc gia này thành một quốc gia bền vững với mức thu nhập trung bình.

Sau cùng, quốc gia này đang tìm cách cấm những loại chất dẻo khác và thậm chí còn hé lộ khả năng biến mình trở thành quốc gia không chất dẻo đầu tiên trên thế giới. Hiến pháp của họ còn công nhận rằng “mọi công dân đều phải được hưởng một môi trường đảm bảo sức khỏe.” Và cũng nhấn mạnh vào trách nhiệm của mỗi công dân là phải “bảo vệ và thúc đẩy môi trường.”

Trên thế giới, rất nhiều sáng kiến để giảm hay cấm hoàn toàn sử dụng túi nylon không phân hủy đã bị ngừng lại bởi những mối lo ngại về kinh tế. Lấy ví dụ, tại Anh, có những lo ngại rằng mức thuế 5 pence cho túi đựng có thể ảnh hưởng tới những người kinh doanh nhỏ lẻ.

Một quốc gia nghèo đói tại châu Phi đã dũng cảm nói KHÔNG với túi nylon

Thành phố xanh Kigali.

Tuy vẫn đang loạng choạng từ một cuộc diệt chủng kinh hoàng đem tới cái chết của hơn 800.000 người vào năm 1994, Rwanda đáng ra có thể bỏ đi lệnh cấm túi nylon khi nó là một trở ngại không cần thiết cho nền kinh tế đang phát triển của mình. Họ đã có thể chọn cách áp một mức thuế đơn giản với túi nylon, như những gì mà rất nhiều thành phố tại Mỹ đã áp dụng. Nhưng mối lo ngại lớn nhất của những nhà chức trách chính là cách mà túi nylon được xử lý sau khi sử dụng. Hầu hết sẽ được đem đốt, giải phóng ra những chất thải độc hại vào không khí, hay khiến cho hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn.

Biết rằng mình còn thiếu những cơ sở cơ bản để quản lý chất thải nhựa, Rwanda đã nghĩ ra một chiến lược thông minh để biến lệnh cấm này thành một cú hích cho nền kinh tế. Những nhà cầm quyền đã khuyến khích những công ty trước đây từng sản xuất túi nylon chuyển sang tái chế chúng bằng việc đem lại những ưu đãi về thuế. Chính sách này cũng tạo ra một thị trường cho những túi đựng thân thiện với môi trường, vốn gần như không hề có mặt tại quốc gia này trước lệnh cấm.

Giờ đã là năm thứ tám, chính sách này đã chứng tỏ được hiệu quả của mình, tuy rằng nó vẫn chưa hoàn hảo. Rwanda vẫn phải đau đầu với một chợ đen béo bở cho những túi nylon bị xa lánh. Lượng tiêu thụ lớn của túi giấy cũng bắt đầu dấy lên những lo ngại. Nhưng thực tế rằng một quốc gia đang phát triển phải đối mặt với một thách thức to lớn có thể thực thi được điều luật mang tính đột phá như vậy khiến ta phải thắc mắc liệu phương tây còn có thể tiến xa tới đâu nếu như ý chí chính trị thực sự tồn tại.

Theo The Guardian.

Nguồn: GenK

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook