82 người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, 10 người tử vong kể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.
Riêng tại Hà Nội có đến 17 ca mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, 2 người đã chết. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người dân cho rằng lợn sạch, lợn nhà nuôi thì không sợ bệnh nên thoải mái ăn tiết canh, thịt lợn tái… Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang liên cầu khuẩn. Rất nhiều bệnh nhân ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ, tiết canh do lợn nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh liên cầu khuẩn.
Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh, lòng, tim, gan chần tái. Ảnh:N.P.
Khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh. Một khảo sát năm 2014 trên VnExpress.net “Bạn có ăn tiết canh không” cho thấy trong số hơn 1.000 người thì có đến 7% trả lời ăn thường xuyên, 45% thỉnh thoảng và 48% không ăn.
Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, đến 40%.
Bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng vào những tháng gần cuối năm gắn liền với Tết âm lịch thường có xu hướng gia tăng. Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyên, không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng.
Ngoài mầm bệnh liên cầu lợn, ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán, giun xoắn… Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) từng tiếp nhận một bệnh nhân có khoảng 50 ổ sán trên não. Bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn tiết canh và rau sống.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.