Thứ Năm, 22/06/2017 | 18:00

Người đàn ông 52 tuổi tại Bình Dương bị hóc xương cá nên khó thở, ho sặc, khám nhiều nơi để tìm dị vật trong phổi.

Bệnh nhân cho biết sau khi hóc xương cá lóc ông khó thở, sặc sụa rồi chuyển sang đau tức ngực. Suốt 10 ngày ông đã đi khám và điều trị tại bác sĩ địa phương nhưng không đỡ. Cảm thấy cơ thể ngày càng bất thường, ông đến TP HCM thăm khám.

Bác sĩ Trần Tiến Thành, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết kết quả CT Scan phát hiện dị vật nằm trong phế quản bên phải bệnh nhân. Các bác sĩ đã trải qua 30 phút nội soi đưa dị vật là mảnh xương cá lóc có kích thước 0,5×0,2 cm ra ngoài.

Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết điều đặc biệt trường hợp này là xương cá lóc có hình dáng giống cây dù cắm ngược vào phế quản, bít chặt đường thở khiến không khí không lưu thông được, tạo áp lực âm hút chặt xương cá khi gắp. Ngoài ra niêm mạc bệnh nhân phù nề, phản ứng viêm cũng gây khó khăn khi nội soi lấy dị vật. Bác sĩ phải xoay trở nhẹ nhàng để khéo léo đưa hoàn toàn mảnh xương ra.

Hiện bệnh nhân đã hồi phục khỏe mạnh, hết ho.

Miếng xương cá nằm trong phổi bệnh nhân làm khó bác sĩ

Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ. Ảnh: T.P

Theo bác sĩ Quang Minh, bệnh nhân khi hít dị vật vào thường ho sặc sụa, khó thở trong thời gian đầu do hội chứng xâm nhập. Sau thời gian dài bỏ quên có thể phát hiện qua những triệu chứng muộn như viêm phổi, áp xe phổi. Có trường hợp chẩn đoán nhầm là lao phổi, điều trị nhiều tháng mới phát hiện là dị vật đường thở bỏ quên. Không ít dị vật nằm từ vài tháng đến vài năm, khiến bệnh nhân điều trị các bệnh phổi lâu dài vẫn không khỏi.

Bác sĩ khuyến cáo nên cẩn thận, không đùa giỡn trong lúc ăn uống dễ bị hóc. Nếu dị vật trong phổi lâu ngày dẫn đến viêm phổi tái nhiễm nhiều lần, gây áp xe, biến chứng nhiễm trùng, ho ra máu, giãn phế quản…

Trường hợp dị vật sắc nhọn, đã nuốt sâu vào phế quản thì không được sử dụng thủ thuật Heimlich hoặc gây nôn khi sơ cứu vì sẽ gây tổn thương thêm. Thủ thuật Heimlich chỉ áp dụng với trường hợp hóc dị vật là những vật tròn, nhỏ, không sắc cạnh và chưa đi sâu vào phế quản. Nạn nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Hướng dẫn sơ cứu hóc dị vật bằng thủ thuật Heimlich

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook