Thứ Hai, 22/05/2017 | 12:44

Hội chứng nhịp nhanh chậm khiến bệnh nhân Campuchia nhập viện trong tình trạng đột quỵ, được các bác sĩ Việt đặt máy tạo nhịp tim cứu sống kịp thời.

Nữ bệnh nhân sinh năm 1952, trú tại tỉnh Battambang được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh trong tình trạng lơ mơ, không nói được và liệt nửa người bên phải. Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết như ECG và CT Scan đầu…, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị đột quỵ. Nguyên nhân gây ra là do bệnh nhân bị rung nhĩ, hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm, có những lúc nhịp tim chậm 30-40 lần một phút.

Máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cứu nữ bệnh nhân đột quỵ

Các y bác sĩ tham gia ê kíp mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, giám đốc chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh cho biết, sau khi tiến hành hội chẩn với các chuyên gia tim mạch đến từ bệnh viện Chợ Rẫy tại TP HCM, bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Nếu không đặt máy tạo nhịp tim kịp thời thì có thể bệnh nhân sẽ thiếu máu não nặng hơn, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn hoặc có thể ngưng tim do nhịp tim chậm.

Trong thời gian chuẩn bị, các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và làm các xét nghiệm tiền phẫu cần thiết. Sau đó bệnh nhân đã được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn dưới sự phối hợp của các chuyên gia Việt Nam và bác sĩ tại Campuchia. Ca phẫu thuật thành công đã đem lại niềm vui cho các bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim tại Campuchia.

Theo bác sĩ Thức, trước đây các bệnh nhân Campuchia nếu có chỉ định đặt máy tạo nhịp tim bệnh nhân đều phải sang Thái Lan và Việt Nam điều trị, đặt máy, đi lại tái khám theo dõi thường xuyên sẽ rất tốn kém. Đặt máy tạo nhịp tim ngay tại Chợ Rẫy Phnom Penh sẽ giảm chi phí 20-30% so với trước. Máy tạo nhịp có tuổi thọ khoảng 10 năm.

Bệnh nhân trên do phát hiện trễ nên đã bị liệt nửa người. Nếu được phát hiện sớm khi mới có tình trạng choáng, đau đầu và được điều trị ngay có thể đã thoát khỏi tình trạng bị liệt. Sau khi phẫu thuật ổn định, bệnh nhân sẽ tái khám và tiếp tục được tập vật lý trị liệu hồi phục chức năng.

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook