Trong Shark Tank tập đầu tiên, 2 sinh viên ĐH Kiến trúc đã gọi được 3,1 tỷ đồng cho dự án trang phục Cosplay. Đổi lại, 2 “cá mập” rót vốn sẽ có được 51% cổ phần và kiểm soát công ty.
Hai bạn sinh viên Đỗ Đức Mười và Văn Trung – ĐH Kiến trúc – thuyết trình trước các “cá mập” đầu tư. Ảnh cắt từ clip của chương trình Shark Tank.
Đỗ Đức Mười và Văn Trung hiện là sinh viên năm thứ 3 của ĐH Kiến trúc. Cùng đam mê lĩnh vực hóa trang, hay còn gọi là Cosplay, hai bạn bắt tay lập công ty Transform Studio – một studio chuyên về kỹ xảo vật lý, hóa trang với hiệu ứng đặc biệt, thiết kế cũng như chế tạo phục trang.
Hai bạn trẻ đã mang theo các nhân vật hóa trang Người nhện và 3 anh em siêu nhân để thuyết phục các Sharks trong chương trình Shark Tank tập đầu tiên.
“Hiện có 70.000 người Việt tham gia trào lưu này từ Bắc vào Nam. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có bộ hóa trang chất nhất, giống nhân vật nhất, mang đến cái hồn của nhân vật?
Bọn em đã nghiên cứu, làm việc và thành lập nên Transform Studio… Chỉ trong vòng 3 tháng đầu tiên hoạt động, bọn em đã thu được 200 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm qua mạng”, Mười nói.
Một bộ Cosplay hoàn chỉnh cho người lớn, phục vụ cho việc diễn sân khấu và hóa trang chuyên nghiệp, có mức giá khoảng 7 triệu đồng.
Trung và Mười cũng giới thiệu với các Sharks một cái đầu khủng long các bạn tự tạo. Đây cũng là một trong những sản phẩm nhóm muốn hướng tới, có thể sử dụng cho công viên giải trí hoặc các bộ phim.
“Sản phẩm này có thể làm như 1 con vật bình thường, đi bình thường. Nếu đầu tư thêm một cơ sở và tự sản xuất, chúng ta có thể làm ra ngôi nhà ma hoặc một công viên giải trí khủng long ở Việt Nam”, Trung cho biết.
Trước câu hỏi của Shark Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse – về quy trình sản xuất, Transform Studio cho biết hiện các bạn tự thuê người may, đồng thời có những xưởng liên kết về cơ điện tử hoặc về may để phục vụ sản xuất một số sản phẩm khác.
Về lợi thế cạnh tranh, hai bạn trẻ tin rằng sản phẩm của mình mang tính “độc”, cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu trên nhân vật mẫu, tạo hình…, nên sẽ khó bắt chước mà đảm bảo được cả về chất lượng cũng như độ thẩm mỹ của sản phẩm.
Đến với chương trình, hai bạn trẻ mong muốn được đầu tư 3 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần công ty.
Cho rằng doanh thu 10 tỷ đồng/năm quá nhỏ, 2 Sharks không đầu tư
Shark Phú cho rằng doanh số tối đa của studio chỉ ở mức 10 tỷ đồng/năm như các bạn trình bày là quá nhỏ, ông không đầu tư.
Cũng đồng quan điểm trên, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group kiêm Chủ tịch HĐQT CEN Invest – cũng không tham gia vì cho rằng với quy mô thị trường nhỏ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào khó kiểm soát.
Ngược lại với quan điểm trên, Shark Thái Văn Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital và Shark Trần Anh Vương – CEO CTCP SAM Holdings – đồng ý đầu tư, nhưng cả 2 Sharks sẽ đầu tư mức 3,1 tỷ đồng để đổi lại 51% cổ phần, đủ quyền kiểm soát công ty.
Hai bạn sinh viên thỏa thuận mức 3 tỷ đồng cho 50% cổ phần công ty, nhưng ông Vương lắc đầu: “50-50 thì rất khó quyết định, khi có xung đột cũng không có đường lui”.
Ông Vương đã đầu tư vào lĩnh vực vui chơi giải trí với cổ phần tại Công viên Đầm Sen.
Khi các bạn trẻ đã bước ra khỏi căn phòng của các Shark, ông Hưng quay sang bà Linh bình luận: “Vấn đề ở đây là volume (dung lượng thị trường – PV) rất bé”.
Bà Linh gạt đi: “Không. Hiện tại volume thì bé, nhưng mô hình sản xuất theo thiết kế của người khác lại rất phổ biến. Rất nhiều công ty có thể thành công ty cả trăm triệu USD”.
Video: làm bánh gì mà nhìn ngon thế nhỉ
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.