Hai năm qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, song kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm xuất hiện ở một số mẫu môi trường và gia cầm.
Dịch bệnh cúm trên gia cầm và cúm ở người diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch cúm A(H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013 với hơn 100 trường hợp bệnh nhân. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở 4 tỉnh: Triết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông nơi đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm A(H7N9). Do đó nguy cơ bị nhiễm virus cúm A(H7N9) nếu đến các khu vực có dịch.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2016 đã ghi nhận một số ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) và A(H5N6) tại một số hộ gia đình, không có hiện tượng lây lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy mầm bệnh cúm gia cầm xuất hiện tại một số mẫu môi trường và gia cầm tại các chợ bán gia cầm sống. Vì thế, có nguy cơ tiếp tục xảy ra ổ dịch mới trên gia cầm và có thể lây sang người nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng triệt để.
Trong 2 năm gần đây, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc cúm nào trên người. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm thường có xu hướng gia tăng vào cuối năm và những tháng đầu năm, đặc biệt trong dịp Tết; mầm bệnh đang tồn tại trong môi trường…
Vì thế, Việt Nam có nguy cơ xuất hiện bệnh nhân cúm A(H7N9) về từ vùng có dịch tại Trung Quốc và có thể xuất hiện ổ dịch mới trên gia cầm nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H5N6).
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt:
– Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
– Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
– Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
– Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Phương Trang
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.