Đức đang cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa (TP HCM), chia sẻ rằng “10 năm vướng vào ma túy cuộc đời thật vô nghĩa”.
Hải Đức có 10 năm dùng heroin, 6 năm chơi ma túy đá. Đức chia sẻ, cuối năm học lớp 11 theo bạn bè dùng heroin, một năm sau bị công an bắt khi đang dùng thuốc lắc và ma túy ở bar. “Vào trung tâm cai nghiện Thanh Đa, sau khi cắt cơn, tôi luôn trăn trở làm sao để trở về với cuộc sống thường ngày”, người đàn ông nay 31 tuổi trăn trở.
Anh bảo rằng cứ ngỡ sau một lần lầm lỡ sẽ xa rời ma túy, song cắt được nghiện heroin thì lại đua đòi với bạn bè chơi “hàng đá”. Đức nhớ lại: “Tôi cứ nghĩ hàng đá không gây nghiện nhưng thực sự sức hủy diệt nó còn hơn cả heroin. Mỗi lúc ngáo lên là nhìn đâu tôi cũng thấy kẻ thù, tức giận, như ai đó đang chửi mình trong tai nên cứ đập phá đồ đạc, gào thét”.
Người cai nghiện chia sẻ câu chuyện lầm lỡ vướng vào ma túy. Ảnh: Hoài Nhơn |
Đức có vợ hiện mang bầu 4 tháng, đứa con trai nhỏ đang đợi bố cai nghiện xong về nhà. Vào trung tâm cai nghiện mấy tháng nay, Đức đã cắt được cơn, tâm lý bình tĩnh hơn. Anh thường cầm theo cây đàn ngồi ở góc sân trung tâm chơi một bản nhạc nhớ về gia đình nhỏ. Chiều chiều anh tập bóng rổ, chơi thể thao để trị liệu tâm lý, hy vọng khỏe lại sớm trở về với gia đình làm lại cuộc đời.
Còn Tiên nay 23 tuổi mà đã có thâm niên 10 năm chơi ma túy đá, ra vào trung tâm cai nghiện 7 lần và khá quen thuộc với các nhân viên, bác sĩ ở đây. Lần này quyết cai thành công, chàng trai tâm sự: “Hồi đó em chẳng biết nghĩ, cứ chơi là chơi, nào ngờ nghiện bỏ học từ lớp 7, phá không biết bao nhiêu tiền của gia đình”.
Chàng trai nói rằng lâu nay cứ ra khỏi trung tâm cai nghiện là lại chứng nào tật nấy, xin tiền bố mẹ để chơi ma túy tiếp và rồi lại sa ngã vào đường cũ. “Bây giờ đủ lớn và cảm giác hối hận, lần này em quyết tâm không trở lại nơi này nữa bởi nước mắt mẹ sắp cạn vì em”, Tiên nói.
Video: Nỗi ân hận của người cai nghiện ma túy
Ông Nguyễn Phan Minh, Phó Giám đốc Trung tâm cai nghiện Thanh Đa cho biết, năm 2004 Trung tâm tiếp nhận 4 học viên nghiện ma túy đá, đến nay mỗi năm trung tâm tiếp nhận cả trăm học viên. Ma túy đá đang trở nên thay thế cho heroin bởi nhiều người lầm tưởng ma túy đá là “sạch”, ít nguy hiểm hơn.
Thực tế, ma túy đá rất nguy hiểm cho người dùng và những người xung quanh, bởi tình trạng loạn thần do amphetamine trong ma túy đá giết chết những nơ ron thần kinh, kích động người dùng. Đức nhớ lại: “Mỗi lần đập đá xong, em lái xe cứ nghĩ đang đi thẳng, chạy rất chậm nhưng thực tế não mất kiểm soát và xe chạy đánh võng tốc độ cao”.
Thái Siêu 19 tuổi ở Đồng Nai được đưa vào trung tâm để cắt cơn trong trạng thái loạn thần vì dùng ma túy đá. Chàng trai liên tục huyên thuyên: “Tôi là con rể của thủ tướng, là bạn của Obama…”. Các bác sĩ cho hay học viên này bị tổn thương thần kinh và có khả năng tâm thần vĩnh viễn do xài ma túy đá quá liều.
Nhân viên trung tâm cai nghiện quản lý học viên qua camera. Ảnh: Hoài Nhơn |
“Ma túy đá chỉ tồn tại trong nước tiểu người dùng 2-3 ngày, quá thời gian này kết quả thử nghiệm âm tính nên rất khó xác định một người có xài ma túy đá hay không”, ông Minh chia sẻ thêm.
Phương pháp trị liệu đối với người cai nghiện thường là tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, lao động trị liệu… Hằng ngày, người cai nghiện sinh hoạt tập thể dục, học về tác hại ma túy, lao động, chơi thể thao, hát karaoke để cuộc sống dần xa và quên đi cơn thèm ma túy đá.
Quan trọng hơn cả là khi họ tái hòa nhập cộng đồng, môi trường gia đình cần thay đổi. Đa số người đến với ma túy thường có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc hoặc được nuông chiều, cha mẹ cho nhiều tiền đâm ra hư hỏng. Khi trở lại cuộc sống sau khi cai nghiện, nếu điều kiện gia đình không thay đổi thì người nghiện dễ tái phát. Do đó môi trường gia đình là yếu tố quyết định để người nghiện quên hẳn ma túy đá.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hoài Nhơn
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.