Khác với nhiều loài động vật có vú, dương vật của con người dần mất xương xuất phát từ sự tiến hóa theo chế độ một vợ một chồng.
Theo Independent, phát hiện mới từ Đại học College London, Anh, sau nhiều thập niên tranh luận, xác định xương dương vật bắt đầu tiến hóa ở động vật có vú khoảng hơn 95 triệu năm trước đây. Theo quá trình này, xương dương vật trở nên lớn hoặc nhỏ hơn ở một số loài và biến mất ở người.
Xương dương vật một số loài động vật có vú. Ảnh: Independent.
Các giả thuyết cho rằng con người bị mất xương dương vật cùng với sự phát triển của chế độ một vợ một chồng khoảng 1,9 triệu năm về trước. Xương dương vật giúp con đực nhiều loài duy trì thời gian giao phối lâu hơn 3 phút, tăng tỷ lệ duy trì nòi giống. Chế độ nhiều bạn tình khiến con đực đối diện với sự tranh giành trong giao phối, việc quan hệ lâu giúp ngăn cản con cái giao cấu và thụ tinh với đối tác khác.
“Thời gian trung bình từ lúc xâm nhập đến xuất tinh của nam giới chỉ ít hơn 2 phút. Chế độ chung thủy, nữ giới chỉ chọn cho mình một bạn tình khiến quý ông không phải cạnh tranh nhiều đối thủ nên xương dương vật dần biến mất theo thời gian”, các nhà nghiên cứu chia sẻ.
Ở loài gần với con người là tinh tinh, xương dương vật cực kỳ ngắn, đồng nghĩa thời gian giao cấu cũng chỉ kéo dài khoảng 7 giây một lần. Tinh hoàn tinh tinh đực rất lớn vì chúng sản xuất rất nhiều tinh trùng để giao phối với nhiều con cái. Tinh tinh cái thường giao cấu với toàn bộ các con đực trong nhóm, khiến tinh tinh đực nghĩ rằng tinh tinh con có thể là dòng giống của mình nên không giết hại.
Mỹ Lê
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.