Một em bé Brazil mắc bệnh teo não do virus Zika.
Virus Zika là gì mà ghê gớm thế? Ở một góc khác, cũng có thể nêu vấn đề: Liệu nó có thật sự khủng khiếp không, hay là người ta nói quá lên để phòng trước? Nghiên cứu mới đây của giới khoa học cho thấy, đây là loại virus gần tương tự với bệnh sốt xuất huyết. Bệnh “đầu nhỏ” hay còn gọi là “bệnh teo não” ở trẻ nhỏ do loại virus này gây nên được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Từ đó, lúc ẩn lúc hiện, nó gieo rắc bệnh tật và nỗi hoang mang cho nhiều quốc gia châu Mỹ và Caribe, châu Phi, lẫn châu Á. Chúng được loài muỗi Aedes lan truyền. Đáng sợ là tuy phát hiện đã lâu, nhưng cho tới nay vẫn chưa có vaccine điều trị loại virus này.
Với châu Á, trường hợp bệnh “đầu nhỏ” đầu tiên do virus Zika gây ra được ghi nhận vào năm 2007, tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Sau đó nó ngấm ngầm lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương. Đến năm 2013, Thái Lan công bố rất có thể virus Zika đã lưu hành tại một số địa phương của đất nước này. Tiếp đó, năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi. Nhất là tại Brazil, người ta cho biết trong năm 2015 có tới 2.782 trường hợp trẻ em sinh ra mắc chứng não nhỏ. Đáng sợ hơn, cũng tại nước này, năm 2014 chỉ ghi nhận 147 trẻ não nhỏ.
Như vậy, tình hình được cho là căng thẳng.
Với Việt Nam, cho dù chưa phát hiện trường hợp trẻ em nào mắc chứng bệnh này nhưng Bộ Y tế cũng đã bày tỏ sự lo ngại khi đưa ra các khuyến cáo. Đó là việc làm cần thiết.
Nhìn lại những khuyến cáo trước đó của Bộ Y tế về các dịch cúm A, dịch Mers… cho thấy, việc phòng dịch là hết sức quan trọng. Có nghĩa là không để nó có điều kiện xâm nhập, và nếu có đi chăng nữa thì cũng sẵn sàng khoanh lại, dập dịch trong thời gian sớm nhất có thể, không để lây lan ra cộng đồng trên diện rộng.
Nhưng, điều đáng nói ở đây là, trong khi cơ quan chức năng rất lo lắng, đưa ra nhiều khuyến cáo, chuẩn bị nhiều phương án thì hình như người dân vẫn không thật quan tâm. Điều đó có thể giải thích bằng nhiều cách. Trước hết, rất có thể người dân không biết đến những khuyến cáo đó, nên không sợ. Nếu đúng như vậy, thì cũng có nghĩa là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, kém hiệu quả. Nhưng còn một điều nữa, đó là “thói quen” coi thường bệnh tật của rất nhiều người. Có người từ lúc còn trẻ con cho đến khi về già không đi kiểm tra sức khỏe lần nào, dựa vào câu “bệnh thì chữa được nhưng mệnh thì không cứu được”.
Khi nghe thông tin, khuyến cáo về dịch bệnh thì cũng là nghe rồi để đấy, không đề phòng gì, cứ coi như chuyện ở đâu đâu không liên quan đến mình. Với tốc độ cuộc sống hôm nay, người ta lo làm lo ăn, lo quá nhiều thứ nên lại càng “được thể” không để ý đến bệnh tật, kể cả đại dịch đi chăng nữa. Ngay như dịp này, hỏi người dân, nói rằng, lo cái Tết đã, dịch bệnh tính sau, cái con virus “ăn não trẻ con” kia còn ở đâu xa lắm, chưa “bay” vào Việt Nam đâu mà sợ.
Nói chung là trong công tác phòng dịch bệnh, điều quan trọng nhất là phải thay đổi được cách nghĩ đơn giản, coi thường tính mạng của cộng đồng. Nếu không thì mọi khuyến cáo, mọi kịch bản, mọi giải pháp của cơ quan chức năng sẽ trở nên vô hiệu. Khi mà chính bản thân mỗi người không lo cho mình thì tình hình sẽ rất khó khăn.
Cũng nên nhắc lại thêm, kể từ ngày 29/1 vừa qua khi Tổ chức Y tế thế giới phát đi cảnh báo virus Zika “đang lây lan dữ dội” và nhấn mạnh mức báo động “rất cao”, thì Chính phủ nhiều nước đã gấp rút lên phương án, cho dù nước họ chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Trong đó có thể kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia…, những nước gần ta, trong khi khí hậu của nước họ ít có điều kiện để virus Zika phát triển.
Vì thế, một lần nữa xin được nhắc lại lời khuyên mang tính nguyên lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Câu này chắc ai cũng đã nghe nhưng làm theo thì xem ra ít lắm.
Miên Thảo
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.