Thứ Hai, 27/03/2017 | 18:23

Từ ngày mẹ mất, cô tự ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình. Cô không ham chơi như ngày trước nữa. Mỗi ngày tan học, cô đều trở về nhà lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước gánh vác một phần khó khăn cho bố.

Bố rất chiều cô, từ nhỏ, thứ gì cô muốn, ông cũng đều cố gắng đáp ứng. Giờ mẹ mất, ông lại còn chiều cô hơn nữa, ông muốn bù đắp cho cô về tinh thần, không muốn con gái phải tủi thân và thiếu thốn. Ông đưa con đi ăn tối, xem phim, đi dã ngoại, thậm chí ông còn đọc vài bài báo về kinh nghiệm nuôi dạy con cái trong độ tuổi teen, cái độ tuổi có phần ‘ẩm ương’, sáng nắng chiều mưa. Ông cũng muốn đưa cô đi mua sắm, nhưng nhiều lần cô bé chỉ từ chối vì thương bố đi làm kiếm tiền vất vả, cũng không dám đòi hỏi nhiều.

Ai cũng nói cô thật may mắn khi được bố yêu chiều, nâng niu như thế. Thậm chí, bố còn không hề có ý định đi thêm bước nữa dù cô biết cũng có rất nhiều người phụ nữ khác để ý ông, ngỏ ý muốn được chăm sóc cho bố con cô. Bố nói giờ bố chỉ mong con ăn học thành tài, còn những chuyện khác bố cũng không nghĩ tới. Cô đã khóc khi bố nói như vậy.

Rồi một ngày nọ, bố trở về nhà và vui mừng ôm chặt lấy cô nói bố đã được thăng lên chức giám đốc. Cô nhìn bố, hai mắt long lanh. Cô thấy vô cùng tự hào về bố. Người bố sớm sớm đi làm đến tối muộn mới về, dù mệt mỏi nhưng vẫn không quên hỏi han con gái học hành, bạn bè ra sao; người bố không bao giờ quên đặt một bó hoa hướng dương trước cửa phòng con gái vào ngày sinh nhật; người bố luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. 

Ngày hôm sau, cô bé đến lớp và việc đầu tiên cô làm chính là khoe với các bạn về việc bố được thăng chức. Bạn bè chúc mừng cô nhiều lắm. Cô biết trong số đó, có không ít người đang ghen tỵ với cô. Cô tự nhủ bản thân càng phải cố gắng học tốt hơn nữa và quan tâm đến bố nhiều hơn nữa để xứng đáng với công lao mà bố đang vất vả vì cô.

Khoe bố giám đốc nhưng đi ăn thấy ông đang dọn bàn, cô gái làm việc khiến nhóm bạn cúi đầu xấu hổ

Bố được công ty cấp cho xe riêng và ngày nào bố cũng đưa cô đi học bằng xế hộp. Cô nói mình có thể tự đi xe đạp, nhưng bố cô không chịu, nói giờ bố có ô tô riêng, muốn đưa con đi học đỡ bụi bặm, mưa gió, đỡ khổ. Mỗi khi xe đỗ trước cổng trường, cô bước xuống đi vào trường trước ánh mắt trầm trồ của bao nhiêu bạn học. Nhưng cũng chẳng vì chuyện này mà cô tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn. Cô vẫn hòa đồng, thân thiện với bạn bè như trước.

Nhưng khoảng một tuần nay, bố bảo cô tự đi xe đạp đi học, cũng không thấy ông lái xe đi làm nữa mà sáng sáng ông dắt cái xe dream cũ trong nhà đến công ty. Nhìn người đàn ông hơn 40 tuổi ánh mắt mệt mỏi, da lại có phần xanh xao, cô thắc mắc:

– Bố mệt ạ! Mà xe của bố đâu rồi?

– À… Ừ bố hơi mệt. Xe bố để ở công ty rồi, đi lại không được tiện lắm.

Cô gật đầu rồi khuyên bố nghỉ ngơi sớm. Với cô, tự đi xe hay bố đèo đến trường không quan trọng, điều quan trọng là sức khỏe của bố cô.

Thấy cô đến lớp bằng xe đạp, bạn bè cô hỏi dồn nhiều lắm. Tự nhiên cô cứ thấy ngượng miệng, chẳng biết giải thích thế nào. Mấy người bạn không thích cô, bắt đầu lấy cớ châm chọc:

– Mất ô tô rồi hay sao mà lại đi xe đạp thế này! Ai bảo lúc trước vênh váo nhà mình có xe đẹp cơ!

Cô bực lắm, nhưng cô không thèm gây sự với họ. Chuyện cứ tưởng như thế là xong thì hôm sau, cô cùng lớp đi liên hoan thì…

Khoe bố giám đốc nhưng đi ăn thấy ông đang dọn bàn, cô gái làm việc khiến nhóm bạn cúi đầu xấu hổ

Bước vào quán ăn, hình ảnh người đàn ông trước mắt với bộ quần áo luộm thuộm, mồ hôi nhễ nhại, chạy tới chạy lui bưng đồ cho khách trông thật quá quen thuộc. Đó chính là bố cô! Bố cô làm giám đốc, giờ này phải ở trong văn phòng làm việc chứ, sao lại ở đây được?

– Bố mày làm giám đốc dọn bàn hả? – Một cô bạn của cô châm chọc

Trong đầu cô lúc nào đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chẳng lẽ bố lại nói dối mình? Bố làm thế để làm gì cơ chứ? Thật xấu hổ quá đi! Những tiếng cười ác ý, chỉ trỏ rồi bàn luận của lũ bạn ‘vô duyên’. Khó mà diễn đạt được cảm xúc của cô lúc này, vừa xấu hổ, vừa bất ngờ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trông thấy cô, ông cũng ngại và vội đi vào khu bếp, nhưng hậu đậu thế nào, ông lại làm rơi mấy cái cốc thủy tinh đang để trên mặt bàn. Ông xin lỗi khách rối rít và cúi xuống nhặt vội những mảnh thủy tinh vỡ.

Lúc này, lũ bạn lại càng chỉ trỏ, bàn luận thế này thế kia. Tưởng cô sẽ xấu hổ ‘không biết úp mặt vào đâu’ hoặc hét lên, trách bố nói dối mình rồi giận dữ bỏ đi. Nhưng trái lại cô gọi một tiếng như hờn dỗi “Bố” rồi nhẹ nhàng tiến đến và bình tĩnh nói:

– Để con giúp bố. Có chuyện gì sao bố lại giấu con?

– Bố… Bố sợ làm con mất mặt với bạn bè. Bố phát hiện ra công ty làm ăn gian dối gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bố đã góp ý nhiều lần nhưng đều vô ích. Quá chán nản nên bố quyết định nghỉ việc. Bố muốn mở một quán ăn nhỏ nên làm tạm ở đây một thời gian để tìm hiểu.

– Có gì mà mất mặt chứ. Dù bố làm giám đốc hay làm bảo vệ, bồi bàn thì bố vẫn là bố của con.

Cô lau mồ hôi trên trán bố. Hai bố con cô ôm chầm lấy nhau. Mấy cô bạn khi nãy châm chọc cô, cúi hết đầu xuống vì xấu hổ. Một số khác lại tiến đến giúp hai bố con nhặt những mảnh vỡ trên sàn.

Qua chuyện này cô càng thấy thương bố hơn. Khi bố gặp khó khăn như vậy mà vẫn sợ cô ngại, sợ cô mất thể diện. Bố đã vì cô mà gánh chịu quá nhiều, vất vả quá nhiều. Cô trách bố, giận bố làm sao được chứ. Bố đã hết lòng vì cô cơ mà. Dù bố có làm giám đốc, hay chỉ là một người phục vụ bàn thì với cô, bố luôn là người đàn ông mạnh mẽ, tài giỏi, vĩ đại nhất.

Video Cảm động rơi nước mắt về tình mẹ rất hay và ý nghĩa

Sưu tầm

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook