Thứ Ba, 26/07/2016 | 03:30

Đó là thực trạng được nêu ra tại Quốc hội ngày 25/7 trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Từ 4 nội dung giám sát, nhiều ĐB đã đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thực phẩm bày bán ở chợ.

Quản lý còn chồng chéo

Thẳng thắn chỉ ra thời gian qua, việc giám sát còn hình thức, chưa mạnh mẽ, phát huy hết vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, các kiến nghị của Quốc hội nhưng chưa được các cơ quan thực hiện đầy đủ cho nên cử tri vẫn có những kiến nghị về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khiếu nại, tố cáo, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, để đổi mới Quốc hội cần đổi mới ngay giám sát, thể hiện rõ vai trò cơ quan quyền lực cao nhất nhà nước, điều hành hiệu quả các cơ quan thực thi pháp luật.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, nên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm bởi đây là vấn đề cử tri bức xúc đã đi đến đỉnh điểm, đang hủy hoại chất lượng cuộc sống con người. Việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều kiện để chúng ta đánh giá lại các cơ quan chức năng thực hiện những kiến nghị của Quốc hội như thế nào, bởi kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã giám sát vấn đề này”.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ĐB Bùi Sỹ Lợi ( Thanh Hóa) thời gian qua, việc giám sát chủ yếu vẫn chỉ là khen nhau, ít chỉ ra sai phạm, việc tiếp thu xử lý không theo bám đến cùng, thực hiện đến đâu? Cho nên Quốc hội cần ưu tiên giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm bởi “người dân đã quá khổ về thực phẩm bẩn”.

Nói như lời ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thì “nên lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm khi đây đang là vấn đề nóng. Tất cả các khâu từ tiêu thụ, chế biển, đều có vấn đề khiến người dân bất an.

Có 3 Bộ chủ chốt liên quan đến vấn đề này là Y tế; Nông nghiệp; Công thương nhưng vẫn còn nhiều bất cập.Do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung, đầu mối chỉ đạo nên chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo chưa làm rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân nên giám sát sẽ phát hiện ra sự tha hóa của các cán bộ tiếp tay nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, qua đó cũng góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức gắn với cải cách hành chính hiện nay”.

Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần giám sát việcthực hiện chính sách

Nhận định những nội dung đề nghị giám sát được dựa trên nhiều đề xuất của các cơ quan, là những vấn đề bức xúc mà cử tri, nhân dân quan tâm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, đây đều là những vấn đề nóng, tuy nhiên nhìn tổng thể đều có chung nguyên nhân là…sự vận hành của bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của các công chức, viên chức .”

Bộ máy được tạo nên bởi những công chức, viên chức. Nếu công chức tốt, bộ máy không có phiền hà thì không có việc xả thải ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung, không có việc phá rừng diễn ra nghiêm trọng, không có việc cấp khống giấy chứng nhận thủy sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân điêu đứng.

Nói về an toàn vệ sinh thực phẩm Bộ trưởng Bộ y tế đi kiểm tra một cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống sạch ở một địa phương thì các nơi khác đã được mật báo và đóng cửa hết. Vậy bộ máy chính quyền làm gì? cái gì cũng không biết, vậy trách nhiệm thuộc về ai? cái gì cũng nói đúng quy trình” – ông Cương đưa ra một loạt các nguyên nhân. Và theo ông, cán bộ là nguyên nhân của những vấn đề nóng cho nên cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Cùng chung quan điểm, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phân tích: Hiện bộ máy đã được kiện toàn từ tổ, thôn, xóm cho đến Trung ương, với chức năng quy định pháp luật đã đầy đủ. Để dân ăn bẩn, rồi bị ô nhiễm môi trường là do bộ máy quản lý kém .

“Năng lực của cán bộ không hề kém nhưng vì có lợi ích chi phối nên làm ngơ để xả thải chất độc ra môi trường, để hàng giả lộng hành. Cho nên cần xem lại bộ máy để quy trách nhiệm cá nhân chứ không thể để dưới đổ trên, trên đổ xuống dưới, cứ loanh quanh cuối cùng không xử lý được trách nhiệm. Không thể để dân đóng thuế để nuôi bộ máy nhưng bộ máy lại không hoàn thành nhiệm vụ” – ông Phương chỉ rõ.

V.Thắng

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook