Thứ Năm, 26/05/2016 | 15:01

Theo ông Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, trong những tháng đầu năm 2016, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế; sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành tại các địa phương nên công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh do sốt xuất huyết đã được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, tình hình các ca mắc sốt xuất huyết đã liên tục giảm mạnh tại tất cả các địa phương trong toàn tỉnh.

Khánh Hòa: các ca mắc sốt xuất huyết đã liên tục giảm mạnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh
Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành Y tế, các ca mắc sốt xuất huyết được giảm mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước

Các ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh

Tại Khánh Hòa, từ tháng 12/2015 đến thời điểm hiện nay, các ca mắc sốt xuất huyết đã liên tục giảm mạnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Giai đoạn cao điểm của vụ dịch, toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 80 -115 ca mắc mới/tuần thì hiện nay toàn tỉnh số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm chỉ còn khoảng 30-35 ca/tuần. Những huyện/thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất cũng chỉ giao động trong khoảng khoảng từ 6-9 ca/tuần như: Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh và đa số các huyện còn lại có số ca mắc sốt xuất huyết dưới 6 ca/tuần. Riêng các huyện miền núi như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh không còn ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy tại tỉnh Khánh Hòa vẫn còn cao hơn 5 lần do tháng 1/2016 dịch sốt xuất huyết mới bắt đầu giảm tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Đến tháng 5/2016 số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm hơn so với cùng kỳ tháng 5/2015. Bệnh sốt xuất huyết hiện nay tại Khánh Hòa được xem như là bệnh truyền nhiễm lưu hành.

Đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh do sốt xuất huyết

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Lâm Quang Chứng cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp chuyên môn kỹ thuật như phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh do sốt xuất huyết, các cấp chính quyền địa phương trong toàn tỉnh Khánh Hòa đã sự thay đổi rất lớn về nhận thức, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và huy động các lực lượng tại địa phương tham gia thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy do Bộ Y tế phát động. Tại mỗi địa phương, chính quyền yêu cầu người dân phải tự giác diệt lăng quăng tại hộ gia đình và giao trách nhiệm cho tổ dân phố thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đã được y tế tại địa phương hướng dẫn thực hiện. “Vấn đề xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng được UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ trong Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, ông Lâm Quang Chứng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có sốt xuất huyết; ban hành kế hoạch Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất chủ động diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika (toàn xã hoặc tại tất cả các thôn tổ có nguy cơ, chỉ số véc tơ cao) trước 02 thời điểm dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trên địa bàn tỉnh vào khoảng tháng 6-7 và tháng 9-10 hàng năm theo Kế hoạch đợt 1 từ ngày 15-30/6/2016 và đợt 2 vào tháng 9/2016. Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp chuyên môn và hướng dẫn hỗ trợ các địa phương thực hiện. Điều này khẳng định, công tác phòng chống dịch bệnh do sốt xuất huyết tại tỉnh Khánh Hòa là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, không phải của riêng ngành Y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Khánh Hòa cũng còn khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh do sốt xuất huyết như: về mặt côn trùng vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự bền vững của kết quả giảm ca mắc; cụ thể là số thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trong diện cần thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy với tần suất 1 tuần/1 lần và 2 tuần/lần vẫn còn mặc dù không nhiều ở lần cập nhật tháng 5/2016. Một số nơi người dân phải tích trữ nước sinh hoạt, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Ngoài ra, người dân còn chủ quan, lơ là, trông chờ vào các cơ quan y tế đến phun hóa chất xử lý dịch mà chưa tự giác thực hiện diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình thường xuyên, chưa xem đây là biện pháp mang lại hiệu quả cao và lâu dài trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Một số nơi người dân thiếu hợp tác, đóng cửa nhà trong thời gian xe ô tô của cơ quan y tế thực hiện nhiệm vụ phun hóa chất diệt muỗi. Một số trường học, công trình xây dựng vẫn còn để tồn tại ổ bọ gậy trong cơ sở của mình tạo điều kiện cho muỗi phát triển…

Khánh Hòa: các ca mắc sốt xuất huyết đã liên tục giảm mạnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh
Ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh do sốt xuất huyết tới từng hộ gia đình

Chủ động sẵn sàng phòng, chống dịch

Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Khánh Hòa đã giảm nhiều, tuy nhiên Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục thực hiện công tác giám sát sốt xuất huyết và định kỳ hàng tháng cập nhật danh sách tất cả các thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trong diện cần phải thực hiện diệt lăng quăng 1 tuần/lần, 2 tuần/lần, 1 tháng/lần… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thông báo cho tất cả các địa phương và các đơn vị y tế trực thuộc được biết để chỉ đạo và thực hiện biện pháp diệt lăng quăng. Năm 2016, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cập nhật danh sách diệt lăng quăng đến lần thứ 5 (ứng với kết quả giám sát đến tháng 5/2016). Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa xem đây là hoạt động thường xuyên và tiếp tục duy trì kể cả khi không có dịch sốt xuất huyết để cảnh báo sớm cho các địa phương chủ động biện pháp chống dịch.

Theo nhận định của ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 6-7/2016, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng trở lại vì cuối năm 2015, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã nghiệm thu kết quả nghiên cứu đánh giá trong 10 năm từ năm 2004-2013 mối liên quan giữa sự phân bố bệnh sốt xuất huyết với các yếu tố vi khí hậu. Theo đó, hàng năm dịch sốt xuất huyết tại tỉnh Khánh Hòa chủ yếu bùng phát vào khoảng tháng 6-7 và tháng 9-10 do các yếu tố khí hậu thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… Do đó, việc xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết và chủ động, thực hiện các biện pháp can thiệp trước thời điểm dịch bùng phát là cần thiết, nhằm kiểm soát và hạn chế sự lan rộng của dịch sốt xuất huyết.

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook