Mỗi ngày chúng ta sử dụng thịt gia súc, gia cầm cũng đồng nghĩa có một lượng kháng sinh đang âm thầm đi vào cơ thể con người. Vậy việc này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe trước mắt và lâu dài? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội).
PV: Thưa ông, hiện nay tại nhiều trang trại và một số hộ chăn nuôi để trị bệnh cho gia súc, gia cầm người nông dân đã sử dụng một lượng kháng sinh lớn. Có người còn cho rằng, cứ dùng nhiều kháng sinh thì bệnh sẽ nhanh khỏi. Vậy việc này ảnh hưởng như nào đến người tiêu dùng khi sử dụng thịt gia súc, gia cầm?
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh: Thông thường kháng sinh dùng để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và vật nuôi phải theo một quy trình chữa bệnh, tức là mỗi con vật khi dùng kháng sinh phải có thời gian đủ để lượng kháng sinh này tiêu hết trước khi bị giết mổ. Thế nhưng hiện nay, như chúng ta biết, không phải hộ chăn nuôi hay trang trại nào cũng làm đúng quy trình như vậy. Nhiều khi gia súc mới sử dụng kháng sinh được vài ngày đã đem bán cho người tiêu dùng.
Khi lượng kháng sinh chưa tiêu tan hết thì vô tình người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó sẽ nạp vào cơ thể mình một lượng kháng sinh nhỏ, trong một thời gian dài dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh. Điều này sẽ rất đáng ngại bởi khi bị bệnh, người ta sẽ phải sử dụng kháng sinh mạnh mới có tác dụng trị bệnh. Mà kháng sinh càng mạnh thì càng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Có một điều nữa mà tôi muốn nói, kháng sinh chính là “con dao hai lưỡi”, dùng đúng sẽ có tác dụng tốt, nhưng quá liều, có thể khiến vật nuôi bị “nghiện” kháng sinh, có thể ốm yếu hơn.
Vậy phải làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là việc hoàn toàn đúng, còn việc lạm dụng nó lại là việc khác. Cũng khó trách người nông dân, ngoài một số người cố tình lạm dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi thì còn lại nhiều người vẫn chưa hiểu hết được tác hại của việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng vật nuôi đó như nào. Một con trâu hay bò trị giá cả chục triệu, hay nhỏ như con gà, con vịt cũng có giá cả trăm ngàn, đó là tài sản lớn của người nông dân. Với kiến thức và kinh nghiệm của họ, đương nhiên họ sẽ sử dụng ngay kháng sinh để ngăn và trị bệnh.
Bởi vậy nhiệm vụ của các cơ quan chức năng như Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y cần tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn cho người nông dân cách sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng quy trình, liều lượng…để vừa phòng được bệnh vừa không tồn dư lượng kháng sinh khi sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích người nông dân cam kết không sử dụng chất cấm, không lạm dụng kháng sinh…
Tôi nghĩ rằng khi người nông dân cập nhật được kiến thức, hiểu được việc sử dụng kháng sinh thế nào là đủ, là đúng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì họ sẽ làm theo. Như vậy, đến lúc đó chúng ta có thể yên tâm thực phẩm tới tay người tiêu dùng là an toàn, đúng quy trình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.