Thứ Năm, 09/11/2017 | 10:58

Các bệnh về răng miệng thường gặp gồm sâu răng, răng mọc lệch, viêm nướu…Tuy nhiên, lịch sử y học ghi nhận những trường hợp đặc biệt, sau cơn đau “buốt đến tận óc”, chiếc răng bất ngờ phát nổ, vỡ vụn, sự khó chịu lập tức biến mất …khiến các nhà khoa học chưa thể tìm ra lời giải.

Những câu chuyện lạ kỳ

Thế kỷ 19, bác sĩ nha khoa WH Atkinson người Mỹ công bố trên tạp chí The Dental Cosmos về nhiều bệnh nhân có răng tự phát nổ. Cá nhân ông từng gặp 3 trường hợp.

Bệnh nhân đầu tiên là một vị cha xứ đến từ Springfield, Mỹ vào năm 1817. Theo như lời kể, cơn đau của ông bắt đầu từ chiếc răng hàm trên bên phải khoảng 9h tối ngày 31/8 và tăng dần cường độ đến mức khiến ông “gần như phát điên”, “cơn đau đến khôn cùng, ông đã chạy qua chạy lại, trong một nỗ lực vô vọng nhằm làm giảm cơn đau; có lúc ông dúi đầu xuống đất như một con thú bị điên, lúc khác lại húc đầu mình vào góc cạnh hàng rào, và sau đó đi đến con suối và nhúng người mình từ đầu đến chân xuống dưới nước lạnh; những hành vi này đã khiến gia đình ông hoảng sợ”.

Thế rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra vào 9 giờ sáng ngày hôm sau. Khi ông không còn chút sức lực nào, bất chợt một tiếng rạn nứt chói tai giống như tiếng súng vang lên và sau đó chiếc răng đau vỡ thành từng mảnh vụn. Một cảm giác nhẹ nhõm xuất hiện và cơn đau hoàn toàn biến mất.

13 năm sau, bà Letitia D – người sống cách đó vài km cũng trải qua trường hợp tương tự. Bà nói rằng, mình bị đau răng trong suốt một thời gian dài và cơn đau chỉ chấm dứt khi chiếc răng phát nổ và vỡ vụn. Trường hợp thứ 3 xảy đến với bà Anna PA vào năm 1855. Chiếc răng nanh phía trên, bên trái của bà bỗng nhiên tách làm đôi sau tiếng kêu răng rắc.

Từ những trường hợp trên, một số nhà khoa học cho rằng đó chỉ là những trường hợp kỳ dị nhưng trên thực tế chúng lại xảy ra khá nhiều trong lịch sử với những chi tiết tương đồng.

Những chi tiết tương đồng & đâu là lời giải

Năm 1871, bác sĩ nha khoa người Mỹ – J Phelps Hibler đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân trẻ tuổi nhưng bị nổ răng hàm khi đánh răng. Chiếc răng bị đau đã “nổ tung với một tiếng nổ gây chấn động, suýt chút nữa đã khiến cô ngã nhào xuống đất”. Tiếng nổ lớn đến mức tai của cô đã không thể nghe được rõ ràng trong một vài ngày sau khi xảy ra vụ việc.

Sau đó, nhiều trường hợp khác cũng được ghi nhận trong thế kỷ 19, tuy nhiên từ những năm 1920, không còn vụ nổ răng nào được ghi nhận bởi vậy một số nhà khoa học đã tìm hiểu, nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này.

Trong một bài viết vào năm 1860, Atkinson đưa ra 2 giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất là chất caloric hình thành trong răng sẽ làm tăng áp lực lên tủy răng, gây ra sự bí bách, đau nhức. Tuy nhiên, giả thuyết này ngay lập tức bị bác bỏ mà cho rằng nguyên nhân là caloric chất chống thấm – có khả năng làm tăng áp lực trên răng. Tuy nhiên khoa học hiện đại đã chứng minh chất này không tồn tại.

Một giả thuyết khác tiếp tục được đưa ra đó là, chính vì răng sâu nên đã làm tăng lượng khí tích tụ trong răng, khiến răng phát nổ. Tuy nhiên, giả thuyết này về sau cũng bị bác bỏ.

Cuối cùng, một cách giải thích được cho là hợp lý hơn cả tập trung vào những hóa chất đã được sử dụng để hàn răng vào thời đó. Trước khi thủy ngân amalgam (một chất được sử dụng để trám lỗ hổng trên răng) du nhập từ Trung Quốc sang các nước phương Tây vào những năm 1830, nhiều kim loại khác đã được sử dụng, bao gồm chì, thiếc, bạc và một số hợp kim.

Andrea Sella, giáo sư ngành hóa học vô cơ tại Trường Đại học London, cho biết khi hai nguyên tố kim loại khác nhau được sử dụng để trám răng, chúng sẽ tạo ra một cục pin điện hóa, gần như sẽ biến miệng của bạn trở thành một cục pin sạc điện áp thấp có thể phát nổ dưới áp lực tích tụ đó “Do có sự kết hợp giữa các nguyên tố kim loại trong miệng, nên có thể xuất hiện hiện tượng điện phân tự phát. Theo tôi, nếu một vết trám được làm rất cẩu thả và một phần lỗ sâu vẫn chưa được lấp kín, thì sẽ tồn tại khả năng tích tụ khí hidro bên trong chiếc răng này”.

Mặc dù giải thích trên mang tính khoa học và khả thi nhất nhưng do không có ghi chép nào cho biết những người này đã từng được hàn răng hay chưa nên  vẫn chưa thực sự được thuyết phục. Do đó bí ẩn về những chiếc răng phát nổ vào thế kỷ 19 đến nay vẫn chưa có lời giải.

Theo AD ZONE & 24h.com.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook