Thứ Ba, 19/04/2016 | 12:00

Virut Zika có thể lây truyền qua máu của người hiến máu được không?; Những biện pháp phòng ngừa nào cần được thực hiện để đảm bảo việc cung cấp máu an toàn ở những nước đang có virut Zika lưu hành?

1. Virut Zika có thể lây truyền qua máu của người hiến máu được không?

Virut Zika có thể gây nguy cơ đối với an toàn truyền máu. Hiện nay sự hiểu biết về virut Zika và cách virut lây truyền còn hạn chế. Đa số các trường hợp lây truyền cho người là thông qua vết đốt của muỗi Aedes mang virut. Cho đến khi chúng ta hiếu rõ hơn về cách thức lây truyền thì sẽ có các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm cung cấp máu an toàn.

Virut Zika đã được phát hiện trong máu của nhóm người hiến máu tại các vùng dịch bệnh lưu hành.

Việc lây truyền của nhóm Flavivirus (bao gồm các virut sốt xuất huyết, virut West Nile…) thông qua truyền máu đã được ghi nhận và do đó sự lây truyền virut Zika qua truyền máu là có thể xảy ra.

Mới đây có hai trường hợp có thể nhiễm virut Zika do truyền máu đã được báo cáo ở Campinas, Brazil.

2. Những biện pháp phòng ngừa nào cần được thực hiện để đảm bảo việc cung cấp máu an toàn ở những nước đang có virut Zika lưu hành?

Lý tưởng nhất là việc cung cấp máu ở khu vực có bùng phát bệnh do virut Zika cần được duy trì bằng cách tăng cường thu thập máu ở những vùng không có bệnh. Tại những vùng không bị ảnh hưởng, cần xem xét tạm hoãn lấy máu của người hiến khi những người này vừa tới vùng có lây truyền bệnh do virut Zika, trong vòng 28 ngày kể từ khi họ rời khỏi vùng nhiễm.

3. Việc hiến máu ở những vùng bị ảnh hưởng bởi virut Zika diễn ra như thế nào?

Có thể tiếp tục thu gom máu ở những vùng bị ảnh hưởng bởi virut Zika để đảm bảo nhu cầu về máu và các thành phần của máu. Điều này là cần thiết khi dịch bệnh đang ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của một quốc gia hoặc khi không thể thu thập máu từ vùng không có virut Zika lưu hành.

4. Cần áp dụng các biện pháp nào để làm giảm nguy cơ lây virut Zika qua truyền máu ở vùng có virut Zika hoạt động?

– Tạm thời không nhận những người hiến máu hiện có tiền sử lâm sàng của bệnh do virut Zika, như bị sốt hoặc phát ban kèm theo đau mắt đỏ, đau nhức cơ, đau đầu hoặc mệt mỏi.

– Tạm thời không nhận người hiến máu có kết quả xét nghiệm cho thấy họ vừa bị nhiễm bệnh.

– Những người hiến máu có tiền sử lâm sàng bị bệnh do virut Zika hoặc tiền sử gần đây nhiễm virut Zika, nên hoãn hiến máu ít nhất 28 ngày sau khi hết hẳn các triệu chứng.

– Tương tự như vậy, bạn tình của người nam giới được xác định hoặc nghi ngờ nhiễm virut Zika trong 3 tháng gần đây nên hoãn hiến máu ít nhất là 28 ngày kể từ lần quan hệ tình dục cuối cùng.

– Những người đã hiến máu phải được khuyến khích để họ báo với cơ sở truyền máu nếu sau đó họ phát triệu chứng của nhiễm virut Zika hoặc nếu họ có chẩn đoán nhiễm virut Zika trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu.

– Các thành phần của máu còn thời hạn sử dụng (ví dụ khối hồng cầu) có thể bị kiểm dịch trong vòng 7-14 ngày và sử dụng tiếp sau khi xác nhận rằng người hiến máu không có những triệu chứng của nhiễm cấp virut Zika. Đối với khối tiểu cầu, do thời hạn sử dụng ngắn hơn nên thời gian kiểm dịch là 3 ngày.

– Các quốc gia có nhiều du khách đến từ các nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Zika có thể cần phải đánh giá ảnh hưởng của khả năng tạm hoãn cung cấp máu sẵn có và cân nhắc những rủi ro so với lợi ích của việc hạn chế hiến máu.

5. Máu của người hiến được xét nghiệm tìm virut Zika như thế nào?

Nếu có thể, người hiến máu nên được xét nghiệm tìm virut Zika bằng các xét nghiệm thích hợp. Kỹ thuật hạn chế mầm bệnh (PRT) có thể được áp dụng đối với huyết tương và tiểu cầu.

Trong một số trường hợp, việc lựa chọn xét nghiệm để phát hiện virut Zika trong máu người hiến trở về từ quốc gia bị ảnh hưởng của Zika có thể được coi như giải pháp thay thế cho việc hoãn hiến máu.

6. Các quốc gia nên chuẩn bị thế nào khi chỉ thấy muỗi Aedes lưu hành nhưng chưa tìm thấy virut Zika?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia có muỗi Aedes lưu hành nhưng chưa tìm thấy virut Zika cần chuẩn bị kế hoạch để đảm bảo sẵn có nguồn cung cấp máu an toàn khi dịch xảy ra.

Nguyễn Văn Luyện: GĐ T4G Lâm Đồng
Nguồn: WHO, 19/2/2016

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook