Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (điều tra GATS) năm 2015 cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam là 22,5%, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3% và nữ giới là 1,1%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính có nguyên nhân từ thuốc lá. Trên toàn cầu, có khoảng 6 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh có liên quan tới sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, theo thống kê của WHO, mỗi năm, có khoảng 40,000 người tử vong do các căn bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (THTL) cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư phối, ung thư vòm họng, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim.Người nghiện thuốc có nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc cao gấp 2,5 đến10 lần so với những người không hút thuốc lá…
Quyết liệt trong phòng chống tác hại thuốc lá
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngày 11/11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Năm 2012, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua với nhiều quy định pháp lý chặt chẽ. Sau khi Luật Phòngchống THTL được ban hành, Quỹ Phòng, chống THTL được thành lập. Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đãphối hợp chặt chẽvới các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hoạt động phòng, chống THTL đã được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nhiều cơ quan thực thi nghiêm quy định môi trường không khói thuốc như: Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện ký cam kết nơi làm việc không khói thuốc với 40/63 Liên đoàn lao động tỉnh/thành phố, 90% số Công đoàn cơ sở triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được tập huấn về công tác phòng, chống THTL. Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, năm 2015, 100% các bệnh viện tuyếnTrung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống THTL; 92% Sở Y tế tỉnh/thành, công đoàn y tế cơ sở ký cam kết thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Chỉ thị số 6036/CT-BGDĐT yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc là hoàn toàn trong nhà tại các trường đại học, học viện, cao đẳng, cơ quan quản lý giáo dục. Ngoài ra, Quỹ Phòng, chống THTLđã hỗ trợ tỉnh, thành phố xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc như: Hội An, Hạ Long, Nha Trang, Huế, Hồ Chí Minh. Tại TP. Hồ Chí Minh, gần 400 khách sạn, nhà hàng ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc. Quỹ Phòng, chống THTL đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện “Phương tiện giao thông công cộng không khói thuốc”.
Những kết quả tích cực
Với những nỗ lực của toàn xã hội và sau 3 năm thực hiện Luật Phòng, chống THTL tại Việt Nam bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực. Theo điều tra GATS 2015, tỷ lệ người hút thuốc lá giảm từ 23,8% (năm 2010) xuống còn 22,5% (năm 2015), trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới nam giới giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 45,3% (năm 2015), tỷ lệnữ giới hút thuốc năm giảm 1,4% (năm 2010) xuống 1,1% (năm 2015). Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá khu vực thành thị giảm đáng kể, từ 23,3% (năm 2010) xuống còn 20,6% (năm 2015), tỷ lệ nam giới thành thị hút thuốc lá giảm từ 45,2% (năm 2010) xuống còn 38,7% (năm 2015). Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động cũng được giảm xuống đáng kể. Theo kết quả điều tra GATS năm 2015 so với năm 2010: tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống còn 42,6%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống còn 16,1%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống còn 19,4%. Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, một trong những thành công lớn nhất mà chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được đó là chúng ta đã kìm giữ để tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng. Đây cũng là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới. Với việc giữ cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống THTL hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc và ngăn ngừa thanh thiếu niên không trở thành người hút thuốc. Tuy nhiên, kết quả Điều tra cũng cho thấy, mặc dù, tỷ lệ hút thuốc thụ động tuy đã giảm nhưng giảm chưa cao. Đặc biệt, việc hút thuốc thụ động trong các nhà hàng với khoảng 80%; tỷ lệ người hút thuốc lá ở khu vực nông thôn không có chiều hướng giảm; giá bao thuốc lá 20 điều có xu hướng giảm từ 12.700 đồng (năm 2010) xuống còn 11.819 đồng (năm 2015). Điều này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác phòng, chống THTL trong thời gian tới. Các nhà nghiên cứu GATS đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ tiếp tục thực hiện một số giải trong thời gian tới như: tăng thuê thuốc lá; thực thi nghiêm Luật Phòng,chống THTL, quy định môi trường không khói thuốc một cách toàn diện; cấm quảng cáo, ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe; tăng cường cung cấp dịch vụ hỗ trợ cai nghiện.
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.