“Nhiều trường phòng hiệu trưởng rất tốt, rất sạch nhưng nhà vệ sinh của các cháu rất bẩn”- đó là chia sẻ một câu chuyện thực tế về nhà vệ sinh trường học của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2015- 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016- 2017 diễn ra mới đây. Đó cũng là nội dung mà Đại Đoàn kết từng phản ánh trên nhiều số báo.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đợt đi khảo sát một số trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận mới đây thì thấy, có thực tế phòng hiệu trưởng thì rất tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ nhưng nhà vệ sinh của các cháu rất bẩn. Thậm chí ở Hà Nội, có nhiều trường, vừa bước vào cổng đã ngửi thấy mùi bể phốt.
“Chúng ta cần khôi phục lại ở học sinh kỷ cương, tự lập, yêu lao động như: trực nhật, vệ sinh trong trường… Phải quyết tâm làm lại đúng tinh thần học sinh làm trung tâm, với mục tiêu phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất”- Phó Thủ tướng nói.
Một thông tin vui cũng khiến phụ huynh và học sinh Hà Nội có thể yên tâm xóa đi ám ảnh vệ sinh trường học khi Chủ tịch UBND TPHà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm học mới, thành phố sẽ cải tạo nhà vệ sinh của hơn 2.600 trường học trên địa bàn, đặt hàng doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hệ thống toilet bằng inox, đảm bảo tiêu chuẩn. Mục tiêu đến năm 2017-2018, thành phố sẽ giải quyết triệt để vấn đề nước sạch, nhà vệ sinh cho học sinh.
Trên thực tế nhà vệ sinh học đường là chuyện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm sinh lý, của học sinh. Theo TS.BS Chuyên Khoa II Nguyễn Đức Chính- Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn BV Việt Đức, Hà Nội, môi trường ẩm thấp của nhà vệ sinh có thể hình thành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn tả, thương hàn, phó thương hàn cùng các chủng khác của E.coli.
Đặc biệt, những vi khuẩn sống trong bồn cầu nhà vệ sinh cũng là một trong những nguồn gốc chủ yếu gây bệnh viêm não ở trẻ em. Đặc biệt, bệnh tay – chân – miệng với cơ chế lây lan qua nhiều đường khiến vấn đề nhà vệ sinh trường học lại càng trở nên nhạy cảm và đáng báo động. Học sinh có thể sẽ mắc phải các bệnh đường ruột như kiết lị, sỏi thận do nhịn tiểu quá lâu…ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà vệ sinh trường học phải đảm bảo trung bình 100 học sinh/bồn cầu, 50 học sinh/mét dài hố tiêu và 100 học sinh/ vòi nước. Đặc biệt, ở các trường THCS trở lên phải có nhà tắm hoặc phòng thay đồ cho học sinh nữ. Thế nhưng, theo khảo sát, tại nhiều điểm trường ngay tại Hà Nội rất ít nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu này.
Thêm một lần chúng tôi mong các cô, các thầy hiệu trưởng- những người được dùng riêng một nhà vệ sinh trong căn phòng khang trang của mình, hãy dừng chân, thử bước vào để biết khu vệ sinh chung của học sinh trường mình, xem có bao nhiêu mảng tường bị ố vàng, rêu xanh, mấy cái cửa bị thủng, bị bung móc khóa, thậm chí bị bật cả bản lề, gương bị vỡ, vòi nước bị tắc hay giấy vệ sinh không có… để hiểu rằng là học sinh, đang khổ vì nhà vệ sinh.
Thanh Trà
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.